ABC News phân tích một số khía cạnh liên quan:

Ai đặt ra thời hạn 31/8? 

Hồi tháng 7, Tổng thống Joe Biden thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ ở Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Thông báo này có nghĩa là, việc rút quân sẽ được hoàn thành sớm hơn 11 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Sau khi đắc cử năm ngoái, ông Biden đã ấn định ngày 11/9 là thời hạn cuối cùng để các lực lượng Mỹ rời khỏi Afghanistan. Mốc thời gian này là tròn 20 năm xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ.  

Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt thời hạn rút quân là ngày 1/5 theo một thỏa thuận hòa bình mà chính quyền của ông đạt được với Taliban vào năm ngoái.  

{keywords}
Taliban bác bỏ khả năng quân đội nước ngoài có thể ở Afghanistan để tiếp tục sơ tán sau ngày 31/8. Ảnh: Reuters

Tại sao lại là ngày 31/8?

Khi đưa ra mốc thời gian này, Tổng thống Biden khẳng định "tốc độ là an toàn". Ông kết luận đó là một "cuộc chiến bất khả chiến bại" và "không có giải pháp quân sự".

"Bạn sẵn sàng mạo hiểm thêm bao nhiêu nghìn người con gái và con trai Mỹ nữa?" – ông Biden nói với những người kêu gọi Mỹ gia hạn hoạt động quân sự.

Các quốc gia châu Âu, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ là Đức và Anh, muốn có một cơ hội lớn hơn cho việc tiếp tục sơ tán người khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ông Biden đã quyết thời hạn vào cuối tháng 8 nên họ không còn lựa chọn nào khác là phải tuân thủ hạn chót này.

Điều gì xảy ra sau ngày 31/8?  

Lầu Năm Góc thông báo quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sơ tán người dân khỏi sân bay Kabul cho đến 31/8 nếu cần, nhưng không dự định tiếp tục vai trò này sau thời hạn chót này. Đến nay, quân đội Mỹ đang điều phối mọi hoạt động lưu thông hàng không ra vào sân bay Kabul.

Trước đó trong tuần, Taliban bác bỏ khả năng binh lính nước ngoài có thể ở lại Afghanistan để tiếp tục chiến dịch sơ tán sau ngày 31/8. Trao đổi với Sky News, phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen tuyên bố sẽ có "những hậu quả" nếu quân đội nước ngoài ở lại quá thời hạn, viện dẫn đó sẽ là một "sự chiếm đóng kéo dài".

"Nếu Mỹ hoặc Anh muốn có thêm thời gian để tiếp tục sơ tán - câu trả lời là Không. Nếu không, sẽ có những hậu quả", ông Shaheen cảnh báo. Trong một thông điệp đưa lên Twitter, vị này khẳng định "những người có giấy tờ hợp pháp" sẽ có thể rời khỏi sân bay Kabul bằng các chuyến bay thương mại sau 31/8. Tuy nhiên, chưa rõ liệu các hãng hàng không có sẵn sàng hoạt động ở một sân bay do Taliban kiểm soát hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ít nhất 4.500 công dân Mỹ cùng gia đình họ đã được sơ tán khỏi Afghanistan kể từ giữa tháng 8, và Bộ Ngoại giao đang tiếp cận với khoảng 1.500 người vẫn ở đó. Quân đội Mỹ cho biết sẽ chuyển trọng tâm sang sơ tán binh lính của mình khỏi Afghanistan trong 2 ngày cuối cùng trước hạn chót.   

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói hạn chót để sơ tán người sẽ diễn ra đến phút cuối cùng của tháng 8. Pháp khẳng định sẽ nỗ lực sơ tán chừng nào còn có thể, nhưng nhiều khả năng sẽ kết thúc trong những ngày hoặc giờ tới. Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo sẽ tiếp tục giúp đỡ người Afghansitan kể cả sau hạn chót.

>>> Cập nhật Chiến sự ở Afghanistan

Thanh Hảo

Nga sẽ sơ tán hàng trăm người dân khỏi Afghanistan

Nga sẽ sơ tán hàng trăm người dân khỏi Afghanistan

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 500 người sẽ được sơ tán khỏi Afghanistan gồm công dân của Nga, Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Ukraina.