Các lực lượng chiến đấu của chính phủ tan tác trong cuộc chiến nóng bỏng. Mỹ đang bắn phá các vị trí của quân nổi dậy để ngăn quốc gia Nam Á sụp đổ.

Khi nguy cơ tấn công của Taliban trở nên rõ ràng, giới phân tích và quan sát – cũng như người dân Afghanistan – đặt ra câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với lực lượng quốc phòng nước này?

{keywords}
Thất thủ ở một loạt tỉnh thành là cú giáng lớn đối với lực lượng an ninh Afghanistan, trong ảnh là ở tỉnh Herat. Ảnh: EPA 

Tư lợi và tham nhũng

Theo tạp chí Foreign Policy, Mỹ và các đồng minh đã đầu tư hàng tỷ đôla để phát triển, trang bị và huấn luyện Lục quân, Không quân, Lực lượng biệt kích và cảnh sát của Afghanistan. Riêng Mỹ đã chi gần 83 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng của Afghanistan kể từ năm 2001, khi nước này dẫn đầu cuộc xâm lược sau loạt vụ khủng bố 11/9. NATO cho biết đã tài trợ hơn 70 triệu USD cung ứng cho các lực lượng quốc phòng của Afghanistan, bao gồm thiết bị y tế và áo giáp, trong năm nay.

Tuy nhiên, đến tuần vừa qua, thủ phủ của 10 tỉnh ở Afghanistan đã sụp đổ. Theo các nguồn tin an ninh và khu vực, 4 thủ phủ trong số đó đã được các lực lượng quốc gia trao cho quân nổi dậy. Họ từ chối chiến đấu. Các chuyên gia giờ đây dự đoán thủ đô Kabul sẽ bị tấn công ngay trong tháng sau. 

Đáng lẽ giới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Kabul được Mỹ rót tiền đã có nhiều thời gian phát triển một chiến lược bảo vệ đất nước. Rốt cuộc, các nhiệm vụ chiến đấu quốc tế đã kết thúc từ năm 2014, sau đó phần lớn cuộc chiến do người Afghanistan dẫn đầu.

Tuy nhiên, trước đà tiến công vừa nhanh vừa dữ dội của Taliban, điều đó đã không xảy ra.

Trao đổi với Foreign Policy, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, sai lầm không nằm ở việc đào tạo hoặc trang thiết bị được cung cấp cho Afghanistan. Nó cũng không phải là bản chất địa phương: Đất nước này từ lâu đã sản sinh ra những người lính thiện chiến và lực lượng đặc nhiệm cũng tài giỏi không thua kém so với những nước khác.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân của sự thất bại cay đắng này xuất phát từ chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Các Bộ Quốc phòng và Nội vụ nổi tiếng là tham nhũng, cộng với thái độ kém cỏi, năng lực lãnh đạo yếu và tình trạng tư lợi diễn ra ở khắp nơi. 

Chẳng hạn, các nguồn tin tiết lộ lực lượng cảnh sát Afghanistan – được huấn luyện quân sự và chiến đấu từ các căn cứ ở tiền tuyến – không được Bộ Nội vụ trả lương suốt nhiều tháng trời. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bộ Quốc phòng dù các hệ thống thanh toán lương điện tử được áp dụng.

Ở nhiều lĩnh vực khác, binh lính và cảnh sát không được đảm bảo đầy đủ cơm ăn, nước uống, đạn dược hoặc vũ khí. Các tuyến tiếp tế bị đánh cắp, với vũ khí, đạn dược và các thiết bị khác được bán đầy rẫy ở chợ đen, mà phần lớn cuối cùng rơi vào tay quân nổi dậy. Nhiều binh sĩ và cảnh sát bị điều động xa nhà, và họ bỏ vị trí để trở về bảo vệ gia đình cùng tài sản. 

Theo một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Afghanistan, Tổng cục An ninh quốc gia, mỗi tháng quân số của các lực lượng an ninh tiêu hao khoảng 5.000 người, trong khi chỉ tuyển dụng từ 300 đến 500 tân binh.

Sự kết nối lỏng lẻo

Bản thân Tổng thống là một nhà quản lý vi mô và các nguồn tin thân cận cho rằng ông chỉ muốn tập trung hóa và củng cố quyền lực của mình. Nhiều quan chức từ cấp cao như bộ trưởng quốc phòng và nội vụ, đến cấp tỉnh như tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng đã bị sa thải và thay đổi ở mức báo động, hiếm khi được chọn ở địa phương nên không có kiến thức hoặc gốc rễ sở tại.

Các khoản tiền khổng lồ bị biển thủ, gây tổn thất cho các dịch vụ công dân, y tế, giáo dục và an ninh.

Tổng thống Afghanistan và những cố vấn thân cận nhất được nhắc đến gồm ông Ghani, cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib, và người đứng đầu văn phòng tổng thống, Fazal Mahmood Fazli. Tất cả đều từng có thời gian dài sống ở nước ngoài và có hộ chiếu thứ 2. Một số thành viên trong nhóm cầm quyền không thạo cả tiếng Afghanistan lẫn hai ngôn ngữ chính thức khác là Dari và Pashtu.

"Vấn đề về tính hợp pháp là rất quan trọng", Enayat Najafizada, người sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Kabul – bình luận. Ông nhắc lại rằng các cuộc bầu cử tổng thống trao cho ông Ghani nhiệm kỳ thứ hai hồi năm 2020 đã nhuốm màu tham nhũng. Và các tuyên truyền viên của Taliban đã khai thác tốt điểm này.

"Tính hợp pháp đến từ lá phiếu, nhưng sau đó bạn phải thực hiện nó, nếu không người dân sẽ quay lưng lại với bạn. Và điều đó đã không được thực hiện suốt 5-6 năm qua. Sự kết nối giữa chính phủ và người dân Afghanistan đã mất đi. Các chính sách và chiến lược mang nặng tính phân biệt đối xử, chia rẽ và hẹp hòi", ông Najafizada lý giải.

Giới chuyên gia đánh giá lực lượng của Afghanistan có thừa khả năng nhưng thiếu ý chí chiến đấu. Trên khắp đất nước, binh lính, cảnh sát, các quan chức cấp tỉnh và nông thôn, và người dân nói rằng họ sẽ không chiến đấu để bảo vệ chính phủ của ông Ghani. Những người tham gia chiến đấu, bao gồm cả dân quân địa phương, cho biết họ đang phải bảo vệ gia đình và tài sản của chính mình cũng như bảo vệ tương lai của con cái vì không tin chính phủ làm điều này.

{keywords}
Lính Mỹ sẽ rút hết khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8. Ảnh: Reuters 

Thiếu ý chí chiến đấu

Quan điểm đó - có khả năng mà không có thiện chí - đã được phản ánh trong bình luận của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Bà nói chính quyền Tổng thống Joe Biden tin Lực lượng Quốc phòng và An ninh quốc gia Afghanistan (ANDSF) có "thiết bị, quân số và năng lực huấn luyện để đánh trả".

Theo bà Psaki, giành được thắng lợi sẽ củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, vừa được nối lại tại thủ đô Doha của Qatar vào hôm 12/8. Nhưng trong một năm gặp gỡ vừa qua, hai bên không đạt được tiến bộ nào, và phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jack Kirby hôm 11/8 khẳng định vấn đề chính là "năng lực lãnh đạo".

Nhà phân tích hoạt động quân sự Jonathan Schroden đánh giá: "Những gì chúng tôi thấy cho đến nay từ các bộ phận thông thường của ANDSF, chứ không phải quân biệt kích, phần lớn là thiếu ý chí và/hoặc khả năng chiến đấu trong thời gian dài. Điểm mấu chốt là, nếu họ không tin vào điều họ được yêu cầu chiến đấu hoặc không muốn điều đó, họ sẽ không hành động".

Theo vị chuyên gia này, chẳng có hình phạt nào cho việc đào ngũ ở Afghanistan, không giống như ở Mỹ.

"Không phải tất cả các đơn vị quân đội hoặc các chốt kiểm tra đều biến mất. Nhiều người đã cố gắng phòng thủ nhưng họ sắp hết lương thực và đạn dược. [Họ] kêu gọi tiếp tế, tiếp viện và yểm trợ, nhưng trong một số trường hợp chẳng nhận được gì. Vì vậy, họ đành phải tháo chạy", ông Schroden phản ánh.

{keywords}
Taliban đã chiếm được một loạt tỉnh thành của Afghanistan chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: AP

Quyết định rút quân của Mỹ

Nhiều lãnh địa rộng lớn đã rơi vào tay Taliban kể từ tháng 5 khi quân nổi dậy dùng chiến lược cô lập đất nước bằng cách phong tỏa các cửa khẩu biên giới và bao vây thủ phủ các tỉnh.

Thủ phủ (Aybak) của tỉnh Samangan, thủ phủ Farah của tỉnh cùng tên, thủ phủ Pul-i-Khumri của tỉnh Baghlan, và thủ phủ Faizabad của Badakhshan giáp Tajikistan, Pakistan và Trung Quốc đều đã thất thủ hôm 9/8 mà không có một cuộc giao chiến nào diễn ra.

Taliban tiến vào Mazar-i-Sharif, thủ phủ tỉnh Balkh, hôm 8/8 và có mặt ở thành phố Herat của tỉnh cùng tên từ cách đây 2 tuần. Sự sụp đổ của những nơi này sẽ giúp Taliban tiến quân sang miền bắc và miền tây đất nước, theo ông Najafizada. Còn chiếm giữ được Kunduz ở phía bắc sẽ là cơ hội để họ tiến đến Kabul.  

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận song phương với Taliban vào tháng 2/2020 để chấm dứt 20 năm Mỹ dính dáng ở Afghanistan bằng cách cam kết với nhóm này một số điều kiện, bao gồm không tấn công lực lượng Mỹ, cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác, và giảm bạo lực nói chung.

Không có điều kiện nào trong số trên được tuân thủ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn kiên quyết với thỏa thuận này, tuyên bố tất cả lính Mỹ sẽ rút đi vào ngày 31/8. 

Weeda Mehran - một chuyên gia về xung đột tại Đại học Exeter – cho rằng sự ra đi của quân đội Mỹ, đặc biệt là sự biến mất trong đêm của họ khỏi sân bay Bagram, nơi từng là trung tâm hoạt động của họ ở Afghanistan, là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của lực lượng an ninh bản địa.

"Kabul tương đối mơ hồ về cách thức họ dự định quản lý cuộc chiến và đánh đuổi Taliban. Sự thiếu rõ ràng này kết hợp với tình trạng phân hóa chính trị đã dẫn đến suy đoán và thiếu ý chí chính trị để chống lại quân nổi dậy, đặc biệt là ở phía bắc và phía tây, trong phần lớn dân số không phải là người Pashtun", bà Mehran nhận định.

"Điều này chắc chắn tăng thêm sức mạnh cho câu chuyện của Taliban về một lực lượng hùng mạnh với chiến thắng sắp đạt được ở Afghanistan".

Thanh Hảo

Taliban tiến sát Kabul, chiếm thủ phủ thứ 10 của Afghanistan

Taliban tiến sát Kabul, chiếm thủ phủ thứ 10 của Afghanistan

Hôm nay (12/8), Taliban đã chiếm được một thủ phủ chiến lược gần thủ đô Kabul và phá vỡ các tuyến phòng thủ ở thành phố lớn thứ 3 của Afghanistan.