Điều này trực tiếp làm đổ vỡ hợp đồng bán tàu ngầm được xem là lớn nhất mà Pháp từng ký kết với Australia, khiến giới chức Paris tức giận. Thậm chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây còn triệu tập các đại sứ của nước này ở cả Mỹ và Australia về nước.

Quyết định của Tổng thống Macron tạo nên biến cố đầy bất ngờ trong mối quan hệ giữa Washington và Paris. Đáng chú ý, điều này xảy ra ngay trước thời điểm kỷ niệm 250 năm chiến thắng của liên quân Pháp-Mỹ trước hải quân Anh tại Chesapeake, sự kiện vinh danh mối quan hệ đồng minh lịch sử giữa hai nước.

Tuy nhiên, Thời báo New York, dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ và Anh, tiết lộ ngay từ thời điểm mới nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã được phía Australia tiếp xúc và báo trước về thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 60 tỷ USD từ phía Pháp.

{keywords}
Thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong cuộc họp trực tuyến giữa nguyên thủ 3 nước Mỹ, Anh, Australia hôm 15/9. Ảnh: New York Times 

Giới chức Canberra từ lâu đã manh nha ý định thay thế thỏa thuận bị cho là có tiến độ chậm chạp và vượt quá khả năng chi trả bằng tiền ngân sách của mình. Họ cũng lo ngại rằng, các tàu ngầm của Pháp, với công nghệ cũ kỹ, tầm hoạt động hạn chế và dễ bị phát hiện dưới biển, sẽ trở nên lỗi thời so với loại các tàu ngầm khác trong khu vực Thái Bình Dương ở thời điểm chúng được tiếp nhận và hạ thủy.

Tổng thống Biden cũng đồng tình với quan điểm trên, khi ông từng nói với các trợ lý rằng loại tàu ngầm do Pháp sản xuất cho Australia sẽ không có khả năng vươn ra Thái Bình Dương hay bất ngờ xuất hiện ở ngoài khơi các vùng biển tiếp giáp Trung Quốc - một yếu tố làm nên lợi thế quân sự cho phương Tây tại khu vực. Vì vậy, giải pháp khả dĩ nhất là thay thế tàu ngầm Pháp bằng các loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại hơn của Mỹ và Anh.

Song để thỏa thuận được diễn ra trót lọt, chỉ một số ít quan chức cấp cao của Mỹ và Australia được biết về phi vụ giữa hai nước. Bí mật này được Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken giữ kín trong các cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp hồi tháng 6 năm nay.

Thậm chí trong cuộc tham vấn thường niên vào ngày 30/8, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pháp và Australia vẫn đưa ra một thông cáo chung, cam kết hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và “nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình Tàu ngầm trong tương lai”. Lúc đó, Paris vẫn không hề hay biết thỏa thuận bán lô tàu ngầm với giá trị kỷ lục cho Canberra của họ xem như đã “chết yểu”.

{keywords}
Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Cornwall, Anh hồi tháng 6. Ảnh: New York Times

Cuối cùng, thỏa thuận trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia chỉ được giới chức Mỹ tiết lộ với Pháp vài giờ trước thời điểm nó được Nhà Trắng công bố chính thức trong hội nghị trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 15/9. Và nó đã thật sự gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin đối với một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ.

Theo Thời báo New York, quyết định của Tổng thống Biden là hệ quả của một toan tính ngoại giao có phần “tàn nhẫn”. Theo đó, một quốc gia đôi khi sẽ xác định nước đồng minh này quan trọng hơn về mặt chiến lược so với nước đồng minh khác. Đây là điều mà lãnh đạo các quốc gia hay những nhà ngoại giao đều không bao giờ muốn thừa nhận trước công chúng.

Và đó cũng là một dấu hiệu cho thấy một khi đã tiếp nối chiến lược “xoay trục sang châu Á” của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden sẽ có nguy cơ vấp phải những rào cản từ chính các đồng minh truyền thống của mình, những nước cảm thấy họ đang bị bỏ lại phía sau.

Theo ông Richard Fontaine, Giám đốc điều hành nhóm chuyên gia Center for a New American Security, do mọi nguồn lực đều chỉ mang tính hữu hạn, tập trung nhiều hơn ở một lĩnh vực này đồng nghĩa với việc giảm sự chú ý ở những lĩnh vực khác. Và nó dường như cũng có nghĩa là các cuộc đàm phán với một số đồng minh thân cận nhất cần phải được giữ kín.

Dù vậy, ngay cả trước khi Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập các đại sứ của mình, Tổng thống Joe Biden và các trợ lý dường như vẫn hết sức ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội từ phía Pháp. Họ cho rằng người Pháp đã quá kịch tính hóa vụ việc, đồng thời tin tưởng hai nước sẽ dần trở lại quan hệ bình thường.

Lịch sử cho thấy niềm tin của họ không phải không có cơ sở. Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 giữa Anh và Pháp, hay “cú sốc” mà cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon gây ra với Nhật Bản vào năm 1971… đều đã được giải quyết ổn thỏa.

Trong trường hợp mới này, các quan chức Mỹ cho biết trên thực tế, quyết định thay thế thương vụ tàu ngầm hiện có giữa Pháp và Australia bằng một hợp đồng ràng buộc Australia về mặt công nghệ và chiến lược với chương trình tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hầu như không gây tranh cãi trong nội bộ. Và hầu hết các đồng minh của Mỹ đều hiểu, kiềm chế Trung Quốc trên một số điểm nóng luôn là ưu tiên số một của Tổng thống Joe Biden ngay từ những ngày đầu bước chân vào Nhà Trắng.

“Động thái trên nói lên rất nhiều điều về cách mà Washington xác định lợi ích của mình ở khu vực Thái Bình Dương”, ông Richard Fontaine nhận định. “Và họ cũng không ngần ngại làm mếch lòng những đồng minh như Pháp”.

Dù nhiều năm qua, giới chức Mỹ hiểu rằng chiến lược "xoay trục sang châu Á" có thể làm mối quan hệ với các đồng minh tại châu Âu trở nên xấu đi, song theo ông Kurt M. Campbell, người được xem là “kiến trúc sư chính” của chiến lược trên, đây vẫn là “một điều cần thiết để điều chỉnh các chính sách ngoại giao, thương mại cùng những đổi mới trong quân sự của Mỹ ”.

Việt Anh 

Pháp hủy họp quốc phòng với Anh, điện đàm với Mỹ về vụ 'đâm sau lưng'

Pháp hủy họp quốc phòng với Anh, điện đàm với Mỹ về vụ 'đâm sau lưng'

Pháp đã hủy cuộc hội đàm giữa bộ trưởng trưởng quốc phòng nước này với người đồng cấp Anh sau khi bị Canberra bất ngờ hủy thỏa thuận mua tàu ngầm vì liên minh quân sự Mỹ - Anh - Australia.

Mỹ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm giữa lúc bị Pháp tố 'đâm sau lưng'

Mỹ thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm giữa lúc bị Pháp tố 'đâm sau lưng'

Hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công hai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II D5LE giữa lúc xảy ra tranh cãi về thỏa thuận liên minh quân sự có nước này tham gia, giúp trang bị cho Australia các tàu ngầm hạt nhân.