Các chiến hào phủ đầy tuyết và nhuốm đầy bồ hóng, bụi bẩn. Những màu sắc buồn tẻ sẽ đeo bám chúng trong nhiều tuần tới, khi những người đàn ông bên trong cố bắt đủ sóng di động để nghe tin tức mới nhất từ các thủ đô xa xôi, nơi sẽ quyết định số phận của họ. Moscow, Washington, London, Paris, Berlin, Vienna. Đôi khi là Kiev, nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi.

{keywords}
Một binh sĩ Ukraina đi bộ tuần tra trên con đường gần chiến tuyến với lực lượng ly khai ở làng Verkhnotoretske thuộc vùng Donbas, miền đông Ukraina. Ảnh: AP

Theo AP, những người Ukraina này ở cách xa các chiếm hạm Nga đang trên đường tới một cuộc tập trận hải quân ngoài khơi Ireland, cách xa các máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo, đã được điều động đến vùng Baltic cũng như các tàu sân bay của Mỹ ở Địa Trung Hải.

Khi các chuyến bay chở vũ khí do phương Tây cung cấp hạ cánh ở Kiev, các binh sĩ và dân thường ở đây đang chờ đợi trong bất lực, mòn mỏi ngóng quyết định từ những người biết rất ít về Ukraina và thậm chí rất ít về khu vực tiền tuyến phía đông, gần nơi phương Tây cáo buộc Nga đã tập trung tới hàng chục nghìn binh sĩ để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công nước láng giềng. Moscow đã nhất quyết bác bỏ các cáo buộc như vậy.

Các binh sĩ ở Zolote 4 đã làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Ukraina trong nhiều năm. Họ chỉ ở cách các tay súng ly khai, những người đang ở phía bên kia của một trạm kiểm soát, vài trăm mét. Những người lính này cho rằng, đó là nơi có các tay súng bắn tỉa dù họ chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ ai như vậy.

Sau 3 ngày không nổ súng, “đột nhiên họ mở màn bằng súng phóng lựu và súng cầm tay. Một quả đạn cối bay qua và rơi xuống ruộng phía sau chúng tôi. Thêm hai loạt đạn nữa rơi xuống giữa chúng tôi và vị trí tiếp theo. Sau 15 phút, mọi thứ yên tĩnh trở lại. Tại sao? Để làm gì? Không ai biết. Và đó là cách diễn ra xung quanh đây", Oleh Surhov, một binh sĩ Ukraina đã chạy khỏi Crưm năm 2014 sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga, kể. Ông tham gia chiến đấu ngay sau khi di tản vợ và con cháu đến miền tây Ukraina.

Zolote 1 đến Zolote 5 được đặt tên cách đây nhiều thập kỷ (tên trong tiếng địa phương có nghĩa là “Vàng”), khi chúng được dùng để gọi các đơn vị chuyên trách việc khai thác than tại địa phương. Hiện, từ Zolote 1 đến Zolote 4 thuộc sự quản lý của chính quyền Kiev và Zolote 5 nằm ở phía bên kia trạm kiểm soát, cách đó chưa đầy 1km.

{keywords}
Cuộc sống bên trong làng Mayorske gần biên giới Nga. Ảnh AP

Cảm giác ngóng đợi quyết định của ai đó cũng lan truyền đến ngôi làng Katerynivka lân cận, nơi vẫn mang vết sẹo của 8 năm bị pháo kích. Ngôi làng có các chiến hào mới hơn, được sưởi ấm bằng các bếp củi thô sơ và là nơi cả người và chó, mèo đều quần tụ.

“Chúng tôi nói đùa rằng hy vọng là điều cuối cùng sẽ lụi tàn. Tất cả chúng tôi đang chờ đợi hòa bình. Cả con và cháu đều không thể đến thăm chúng tôi. Chúng tôi đang trò chuyện qua điện thoại và chỉ có thế. Hãy đợi cho đến khi hòa bình được thiết lập!”, Liubov, một phụ nữ địa phương chia sẻ.

Nếu chiến tranh bùng phát, nhiều khả năng xảy ra tấn công đầu tiên ở miền đông Ukraina, nơi mà phe ly khai đã nắm quyền kiểm soát từ năm 2014. Ở phía bên kia biên giới, tại Nga, hơn 100.000 quân đang tập trung và hàng nghìn binh sĩ khác đang tiếp tục tiến tới các vị trí mà Moscow tuyên bố là phục vụ các cuộc tập trận ở khu vực giáp biên giới Ukraina, phía bắc Belarus.

Moscow đã phủ nhận có kế hoạch tập kích, nhưng Washington và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra xung đột quân sự, tăng cường sự hiện diện của họ ở vùng Baltic và đặt 8.500 lính Mỹ trong tình trạng báo động cao hơn về khả năng triển khai tới châu Âu. Anh và Mỹ đã điều nhiều máy bay chở vũ khí tới Ukraina.

{keywords}
Lính Ukraina thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên ở Donbas. Ảnh: AP

Các nhà cầm quyền Ukraina đã chấp nhận sự trợ giúp, nhưng nhận thấy họ đang bị gạt ra bên lề của một số vòng đàm phán ngoại giao quan trọng, vốn cho đến nay vẫn chưa mang lại đột phá. “Không có gì về Ukraina nếu không có sự tham gia của Ukraina”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng tuyên bố hồi đầu tháng này sau một cuộc họp như vậy.

Hôm 24/1, Nhà Trắng đã triệu tập các lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Tổng thư ký NATO dự một cuộc hội đàm trực tuyến về Ukraina, nhằm thảo luận các ý tưởng của Mỹ về cách phản hồi các yêu cầu an ninh từ Nga.

"Chúng tôi đã chia sẻ các quan điểm với những đồng minh và đối tác châu Âu của mình. Chúng tôi đang tiếp nhận phản hồi của họ. Chúng tôi đang kết hợp các phản hồi đó vào văn bản hồi đáp Moscow", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tiết lộ.

Tuy nhiên, Ukraina không được mời tham dự cuộc họp. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy tuần trước đã bày tỏ ra sự không hài lòng trên Twitter, khi người đồng cấp Mỹ Joe Biden công khai phản ứng của Washington trong trường hợp chỉ có "sự xâm phạm nhỏ".

"Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc rằng, không có cuộc xâm lược nhỏ và các quốc gia nhỏ, cũng như không có thương vong nhỏ hay nỗi đau buồn ít ỏi vì mất mát những người thân yêu", ông Zelenskyy viết.

{keywords}
Một ngôi nhà ở Donetsk với bức tường bị thủng do trúng đạn. Ảnh: AP

Các nhà ngoại giao Ukraina và Nga dự kiến ​​gặp nhau trong tuần này tại Paris để thảo luận về triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraina, do Pháp và Đức làm trung gian dàn xếp từ năm 2015.

Nếu Ukraina đôi khi bị gạt ra bên lề khi các cường quốc hoạch định số phận của quốc gia châu Âu này, thì miền đông đất nước thậm chí còn ở cách xa các trung tâm quyền lực hơn.

Tại Vesele, một khu vực ly khai ở miền đông Donbas, hầu như không có gì thay đổi kể từ sau cuộc giao tranh năm 2014. Các biển báo vẫn khuyến cáo về những bãi mìn. Các tòa nhà bê tông chỉ tàn tạ thêm sau nhiều năm kể từ khi chúng bị pháo kích. Không ai đến di dời những chiếc xe bị vứt bỏ vội vàng trong bom đạn cách đây gần chục năm.

"Thực tế, không có ai ở đây cả, vì mọi thứ đã hỏng. Có điện, khí đốt, nguồn cung cấp nước, nhưng không có sự sống”, Vladimir, một người đàn ông địa phương từ chối cho biết họ của mình, nói. Ông dự đoán quân đội Ukraina đang ở cách đó khoảng 1km và ông muốn họ rời đi để mọi người có thể tự quyết định số phận của mình.

Theo ông Vladimir, không ai ở Donbas muốn là một phần của Ukraina. Song, cũng giống như hầu hết cư dân ở miền đông, ông tin những quyết định kiểu như vậy đang nằm trong tay của những người khác.

Tuấn Anh

>>> Xem thêm tình hình mới nhất tại Ukraina

Căng thẳng Nga - phương Tây về Ukraina, bom chờ kích nổ?

Căng thẳng Nga - phương Tây về Ukraina, bom chờ kích nổ?

Các cảnh báo qua lại cùng động thái của Nga và phương Tây về Ukraina khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng sẽ bùng phát thành xung đột quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.