Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ ngồi lại với quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc về chính sách đối ngoại, ông Dương Khiết Trì, và Ngoại trưởng Vương Nghị vào thứ Năm tuần tới ở Anchorage, theo báo Washington Post.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của chính quyền Biden với phía Trung Quốc, mà có thể sẽ định hình di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ thứ 46.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 10/3, Ngoại trưởng Blinken nói: "Đây là  một cơ hội quan trọng để chúng tôi trình bày thẳng thắn về nhiều mối quan tâm của mình. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu xem có con đường hợp tác nào không và chúng tôi sẽ thảo luận về sự cạnh tranh mà chúng ta có với Trung Quốc, để đảm bảo Mỹ có một sân chơi bình đẳng và các công ty cũng như người lao động của chúng ta được hưởng lợi từ điều đó".

Tuy nhiên, lo ngại thì rất nhiều. Và dù tham vọng là gì khi muốn tìm ra những điểm hội tụ về một loạt các vấn đề hóc búa - từ thương mại và quyền sở hữu trí tuệ đến an ninh mạng và khí hậu, chính quyền Biden vẫn phải đối mặt với Bắc Kinh không chỉ như một đối thủ địa chính trị mà còn là đối thủ về ý thức hệ.

Trước khi cuộc họp diễn ra ở Anchorage, chính quyền Tổng thống Biden đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp cận các đồng minh châu Á vốn cũng đang cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngày 12/3, ông Biden sẽ gặp gỡ qua mạng các lãnh đạo của "Bộ Tứ" (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).

Trước khi đến Alaska, ông Blinken sẽ có các cuộc họp ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi cũng có cả sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người có lịch trình tới thăm Ấn Độ riêng rẽ.

Không có nhiều kỳ vọng về các cuộc gặp ở Alaska. "Đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược. Không có ý định nào tại thời điểm này cho các cam kết tiếp theo", Ngoại trưởng Blinken tuyên bố. "Những cam kết đó, nếu họ muốn tuân theo, thực sự phải dựa trên xác nhận rằng chúng ta đang chứng kiến tiến bộ hữu hình và kết quả hữu hình về các vấn đề mà chúng ta quan tâm với Trung Quốc".

Matthew Pottinger, một cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc tại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump, nói rằng cuộc gặp "chỉ đơn giản đặt ra các điều khoản cho cam kết sau này".

Tại cuộc họp báo hôm 11/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra các luận điểm cụ thể cho thấy Bắc Kinh cũng không kỳ vọng nhiều vào các cuộc thương thảo.

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và các mối quan hệ Trung - Mỹ một cách khách quan và hợp lý, loại bỏ Chiến tranh Lạnh và tâm lý trò chơi tổng bằng Không, tôn trọng chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc, đồng thời ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh. 

Với tất cả những khác biệt chính trị của họ, chính quyền của Tổng thống Trump trước kia và chính quyền của Tổng thống Biden ngày nay dường như có chung phân tích về Trung Quốc.

Trong tuần này, Ngoại trưởng Blinken xác nhận Nhà Trắng có kế hoạch tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ" vào cuối năm. 

"Chiều hướng ý thức hệ của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Và nó có thể là trung tâm", cố vấn Pottinger bình luận.

Nhưng cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ về chính sách từ phía ông Biden.

Sau khi thông qua gói kích thích trong nước trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, các nhà lập pháp đang nghiên cứu một điều luật nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng, điều luật này có thể sẽ đề xuất "tài trợ nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng và sản xuất của Mỹ và nhiều biện pháp khác", Washington Post dẫn lời một số chuyên gia, và cho biết ít nhất sẽ nhận được một mức độ ủng hộ lưỡng đảng.

Theo tờ báo này, điều luật cho thấy có sự thay đổi quan trọng trong tư duy chiến lược của Mỹ.

"Các nhà lãnh đạo Mỹ từ lâu đã tin vào thị trường tư nhân hơn là chính phủ liên bang để chọn ra kẻ thắng người thua của nền kinh tế, tránh xa chính sách công nghiệp phổ biến ở Pháp, Nhật Bản và nhiều nước khác", nhà bình luận Greg Ip của Tạp chí Phố Wall bình luận. "Không còn nữa. Tổng thống Biden và cả hai đảng trong Quốc hội đã bắt tay vào chính sách công nghiệp, trong đó chất bán dẫn là điểm thử nghiệm quan trọng".

Thanh Hảo

Thủ tướng Singapore lo ngại 'rủi ro lớn' vì căng thẳng Mỹ - Trung

Thủ tướng Singapore lo ngại 'rủi ro lớn' vì căng thẳng Mỹ - Trung

Thủ tướng Singapore cho rằng, đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nhiều khả năng xảy ra hơn so với cách đây 5 năm, đồng thời cảnh báo "rủi ro lớn" vì gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc.

Ông Biden cử ngoại trưởng đối thoại lần đầu với Trung Quốc ở Alaska

Ông Biden cử ngoại trưởng đối thoại lần đầu với Trung Quốc ở Alaska

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ có cuộc đối thoại đầu tiên thời Tổng thống Joe Biden với các quan chức Trung Quốc ở Alaska vào tuần tới.