Nhiều người cho rằng chiến lược của ông Biden sẽ là một sự đảo ngược mạnh mẽ các chính sách của Tổng thống Donald Trump, để đạt được "bất cứ điều gì trừ Trump". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tiếp theo của Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cố gắng thay đổi chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có chính sách Trung Quốc. 

Trên đây là nhận định của Sun Chenghao, thành viên Viện Nghiên cứu về Mỹ thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, trong bài viết được CGTN đăng tải ngày 3/1.

{keywords}
Ảnh: VCG

Theo chuyên gia Sun Chenghao, chính sách đối ngoại của ông Biden và của ông Trump không hoàn toàn khác nhau. Các mục tiêu cuối cùng của họ đều là duy trì vị thế của Mỹ, nhưng khác biệt nằm ở cách thức và cách tiếp cận để đạt tới điều đó.

Joe Biden và nhóm của ông tin rằng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, hệ thống quốc tế do Mỹ cẩn thận xây dựng đang tan rã, uy tín và ảnh hưởng của nước này trong cộng đồng quốc tế suy yếu. Do vậy, khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới sẽ là trọng tâm chính của ông Biden.

Về chính sách với Trung Quốc, tiếng nói thận trọng tạm thời biến mất ở Mỹ có thể sẽ được kích hoạt lại, và một số thay đổi nhỏ có thể mở ra trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, chính sách tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi, và mối quan hệ giữa hai nước sẽ không trở lại trạng thái thời chính quyền Barack Obama. Cạnh tranh vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong chính sách của Washington, nhưng có một số khác biệt về cách tiếp cận. Ngoài ra, liên quan đến định hướng chính sách của thế hệ mới đảng Dân chủ, nhiều người trong số họ ủng hộ duy trì chiến lược "hiệu quả" của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, thay vì đảo ngược hoàn toàn.

Sun Chenghao cho rằng, thách thức lớn nhất mà ông Biden phải đổi mặt trong việc điều chỉnh chính sách Trung Quốc là sự ràng buộc từ quốc hội mới.

Thứ nhất, quốc hội mới của Mỹ sẽ không thay đổi thái độ chống Trung Quốc, thậm chí có thể còn gay gắt hơn. Thời chính quyền Trump, quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật chống Trung Quốc liên quan tới nhiều vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương. Phe diều hâu chống Trung Quốc vẫn còn đó, và nhiều hành động đang chờ được thông qua sau khi quốc hội mới có hiệu lực.

Thứ hai, với đa số ít ỏi ở Quốc hội, ông Biden gặp khó khăn khi thương lượng về các vấn đề Trung Quốc. Khi nhậm chức Tổng thống năm 2017, ông Trump đã có một nền tảng chính trị vững chắc để phóng chiếu sức mạnh và thúc đẩy các chính sách đối nội. Ông Biden có lẽ sẽ không có được lợi thế này, nếu phe Dân chủ không giành chiến thắng ở bầu cử ở Georgia.

Khả năng ông Joe Biden đưa ra một chương trình nghị sự táo bạo sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì ông là tổng thống đầu tiên trong hơn 30 năm qua ở Mỹ nhậm chức mà đảng của ông không ở thế kiểm soát cả hai viện quốc hội. Tình trạng này có thể buộc tổng thống mới của Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn trong các vấn đề Trung Quốc, để đổi lấy sự ủng hộ của đảng Cộng hòa trong nghị trình đối nội, trong đó có cuộc chiến chống Covid-19 và phục hồi nền kinh tế Mỹ.

Thứ ba, ông Joe Biden và đảng Dân chủ sẽ không muốn từ bỏ hoàn toàn di sản chính sách Trung Quốc của ông Trump. Chủ nhân mới của Nhà Trắng không những phải cởi bỏ các những trói buộc có sẵn mà còn phải chấp nhận sự đồng thuận chiến lược của lưỡng đảng về Trung Quốc. Thế hệ mới của đảng Dân chủ nhận ra rằng, chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc không phải vô ích. Chẳng hạn về thuế quan, ông Biden khó mà nới lỏng trong ngắn hạn, thậm chí có thể còn tiếp tục sử dụng như đòn bẩy để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.   

Do vậy, chuyên gia Sun Chenghao cho rằng tốt hơn là nên lạc quan về những thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung sau khi Mỹ có chính phủ mới và quốc hội mới. Chính sách Trung Quốc của ông Biden sẽ trở lại hợp lý hơn ở mức độ nào đó, và Washington có thể sẽ tái khởi động các cuộc đối thoại chiến lược song phương cấp cao ngoài đàm phán về kinh tế và thương mại. Chính quyền Biden cũng có thể khôi phục một số hoạt động trao đổi về văn hóa và người dân, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác về quản trị toàn cầu, chẳng hạn như chống đại dịch Covid-19, giải quyết biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, ông Biden sẽ tập trung vào các nghị trình trong nước. Các vấn đề Trung Quốc có thể được sử dụng như một tấm thẻ bài thương lượng để đàm phán với đảng Cộng hòa. Đây là cách dễ nhất để ông Biden thực hiện một số thay đổi nhỏ đối với khuôn khổ "cạnh tranh chiến lược" mà ông Trump theo đuổi đối với Trung Quốc, tăng cường hợp tác mà không làm thay đổi cơ bản tiến trình đối phó với Trung Quốc.

Thanh Hảo

Ông Biden sẽ tiếp cận với Trung Quốc thế nào?

Ông Biden sẽ tiếp cận với Trung Quốc thế nào?

Đội ngũ của Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ Joe Biden coi Trung Quốc là một thách thức và thiên về cách tiếp cận mang tính cạnh tranh.

Nguyên nhân khiến Trung Quốc hạ ưu tiên thương chiến với Mỹ

Nguyên nhân khiến Trung Quốc hạ ưu tiên thương chiến với Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ tập trung vào tiêu dùng nội địa trong năm tới, khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ không còn nằm cao trong danh sách ưu tiên nữa.