Sau động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên lượng hàng hóa EU có trị giá 7,5 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng truyền thống như pho mát và rượu nho, các nước châu Âu cũng tỏ rõ thái độ sẽ đáp trả tương tự. Một số nước còn lo ngại động thái trên sẽ khiến Washington áp thuế vào ô tô nhập từ EU, điều mà ông Trump đã lên tiếng sẽ tiến hành trong vài tháng qua.

Ngoài ra, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài tháng gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp ‘bầm dập’, và kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

{keywords}
Mỹ-EU căng thẳng thương mại. Ảnh: Supplypro

“Nước đi này đã kích động một cuộc đấu mới trong những cuộc chiến thuế quan. Việc đưa ra các mức áp thuế và sự lo sợ cho việc các bên đáp trả lẫn nhau sẽ có thể dẫn tới việc kìm nén kinh doanh, vốn đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua”, trang Business Mirror trích lời nhà phân tích tài chính Alex Kuptsikevich thuộc tập đoàn FxPro nhận định.

Động thái áp thêm thuế của chính quyền Trump chủ yếu nhằm vào ngành sản xuất máy bay của châu Âu, nhưng đồng thời cũng đánh vào hàng nông sản của EU. Cụ thể, các mức áp thuế sẽ tăng thêm 10% với ngành máy bay và 25% với các hàng nông sản vào ngày 18/10 sắp tới.

Nhưng EU cũng tố cáo Mỹ có những hành vi thương mại bất công, đồng thời kêu gọi hai bên có thể tạm ngừng áp những mức thuế mới nhằm tránh cho người tiêu dùng phải trả giá mua hàng cao do giá hàng hóa đắt đỏ hơn.

Số liệu từ tờ Business Mirror cho thấy, tất cả vốn đầu tư của Mỹ tại châu Âu nhiều gấp 3 lần so với châu Á. Và EU đầu tư vào Mỹ lớn hơn 8 lần so với mức liên minh này đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. Đồng thời, số vốn của Mỹ và EU cộng lại đã chiếm khoảng một nửa nền kinh tế thế giới.

“Nếu đây không phải là một cuộc thương chiến đang lan rộng, mọi người sẽ ít chú tâm tới điều này và sẽ chỉ là cạnh tranh thương mại dưới luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc cạnh tranh này khó có thể kìm hãm. Các nước châu Âu sẽ cảm thấy nền kinh tế của họ đang bị ‘tấn công’ bởi chính quyền Trump”, thành viên Uỷ ban Các mối quan hệ nước ngoài của EU, ông Edward Alden nhận định.

Chủ tịch Bob Bauner thuộc Tổ chức Công nghiệp Thực phẩm tại bang New Jersey, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm trên toàn cầu, cho biết nhiều thành viên của tổ chức này rất tức giận khi ngành thực phẩm chịu ‘vạ lây’ do sự tranh chấp về việc trợ cấp của các tập đoàn sản xuất máy bay gây ra. “Chúng tôi đang phải trả giá để các tập đoàn Airbus và Boeing tiếp tục nhận các khoản trợ cấp”, ông nói.

{keywords}
Nông nghiệp EU ‘hứng đòn’ từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Bauer còn cho biết, phần lớn các nhà nhập khẩu thực phẩm đều nhỏ, theo kiểu kinh doanh hộ gia đình, nên họ không thể gánh được mức thuế 25%, bởi ngành thực phẩm có tỷ suất lợi nhuận rất thấp.

Người đứng đầu nhóm nông sản COAG của Tây Ban Nha Miguel Blanco, đại diện cho hơn 15.000 nông dân và người chăn nuôi, lại cho rằng các mức thuế ‘hoàn toàn bất công và thừa thãi’. “Một lần nữa, lĩnh vực nông nghiệp chịu hậu quả cho cuộc thương chiến của EU vốn chẳng liên quan gì đến vùng nông thôn Tây Ban Nha”, ông Blanco trả lời phỏng vấn tờ Europa Press nói.

Trong khi đó, người đứng đầu Liên đoàn các ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Tây Ban Nha Mauricio García de Quevedo lại cho rằng, các mức thuế Mỹ mới áp đặt sẽ khiến các công ty của liên đoàn này khó cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, và điều này sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Còn tại nước Đức vốn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và dựa phần lớn vào việc xuất khẩu, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức cho rằng, Mỹ đang sử dụng các điều khoản của WTO nhằm gia tăng tranh chấp thương mại. Một số người lo ngại trong tuần này, căng thẳng thương mại Mỹ-EU sẽ khiến Tổng thống Trump áp thuế lên ngành công nghiệp xe hơi của nước này.

“Có nguy cơ rằng, rất nhiều ngành công nghiệp của hai bờ Đại Tây Dương sẽ thấy mình bị đặt trong tình thế thua cuộc”, người đứng đầu liên đoàn Joachim Lang nói.

Tuấn Trần