Về tương lai của nền kinh tế Afghanistan, Alex Zerden, người từng là phái viên hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ tại quốc gia Nam Á trong giai đoạn 2018 - 2019 cho rằng, hiện không có câu trả lời chính xác, do tình hình có thể chịu tác động theo nhiều cách khác nhau.

{keywords}
Các tay súng Taliban đi tuần trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Bị cắt đứt nguồn tài trợ nước ngoài

Theo trang Newsbreak, ngay cả trước khi Taliban lên nắm quyền, tình hình kinh tế Afghanistan cũng rất tồi tệ. Hồi tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả đó là "nền kinh tế mong manh và phụ thuộc vào viện trợ", với 75% chi tiêu công không phải từ nguồn thu của chính phủ, mà là từ các khoản tài trợ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia như Mỹ.

Sau khi Taliban kiểm soát Kabul, các nhà tài trợ tuyên bố sẽ ngưng giúp tài chính, ít nhất trong tương lai gần. Mỹ thông báo sẽ đóng băng hàng tỷ đôla dự trữ khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, một đợt tài trợ trị giá 450 triệu USD, dự kiến sẽ được chuyển cho Chính phủ Afghanistan trong tuần này đã bị đình chỉ. Chính phủ Đức cũng nói sẽ không chuyển giao 300 triệu USD viện trợ theo kế hoạch.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan dù đất nước này lọt vào tay phong trào vũ trang Hồi giáo. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan. Chúng tôi sẽ dẫn đầu bằng chính sách ngoại giao, ảnh hưởng quốc tế và viện trợ nhân đạo của mình", ông Biden nói.

Tuy nhiên, việc quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan khiến người ta không rõ liệu các tổ chức cứu trợ quốc tế, vốn đóng vai trò cầu nối quan trọng trong chi tiêu viện trợ nước ngoài, có thể tiếp tục hoạt động ở nước này trong tương lai hay không và nếu có thì như thế nào.

Quản trị không phải việc dễ

Ajmal Ahmady, người từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan từ năm 2019 cho đến khi rời bỏ đất nước vào giữa tháng này, đã sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để giải thích những khó khăn kinh tế nghiêm trọng của đất nước.

Cựu quan chức này cho hay, ngân hàng trung ương hiện không chỉ mất quyền tiếp cận nguồn dự trữ của mình, mà còn không được chuyển giao các lô tiền USD đã đặt mua. Trong khi, hệ thống ngân hàng của Afghanistan dựa vào số ngoại tệ này để đáp ứng mong muốn của khách hàng về một phương tiện trao đổi ổn định hơn so với đồng nội tệ (afghani).

Sự khan hiếm USD có thể sẽ làm cho giá trị của đồng afghani lao dốc, khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang, dẫn đến tình trạng khan hiếm hơn nữa khi dòng chảy thương mại và viện trợ quốc tế bị gián đoạn. "Taliban đã chiến thắng về mặt quân sự, nhưng bây giờ phải quản trị. Đó không phải việc dễ dàng", ông Ahmady viết.

Nền kinh tế thay đổi

Nền kinh tế khi Taliban tiếp quản hiện nay đã thay đổi đáng kể so với khi họ quản lý trong giai đoạn 1996 - 2001. Song, bất chấp những vấn đề phức tạp, nền kinh tế Afghanistan lớn hơn và đô thị hóa hơn nhiều so với hai thập kỷ trước.

Năm 2002, năm đầu tiên sau khi Taliban bị lật đổ, GDP chính thức của Afghanistan chỉ là 4 tỷ USD. Năm 2020, theo số liệu của WB, GDP của nước này đã tăng gần 5 lần, lên 19,8 tỷ USD. Tại các thành phố lớn, các dự án cơ sở hạ tầng đã mang công nghệ hiện đại, chẳng hạn như điện thoại thông minh, đến tay dân thường nước này.

Tuy nhiên, nền kinh tế phần lớn được thúc đẩy bởi viện trợ nước ngoài. Thâm hụt thương mại lớn càng trở nên trầm trọng hơn vì thực tế 44% lực lượng lao động của đất nước làm nông nghiệp năng suất thấp và 60% số hộ gia đình sống dựa vào nông nghiệp để có thu nhập.

Sức ép từ bên ngoài

Mỹ vẫn coi Taliban là một tổ chức khủng bố. Nhóm này vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Theo chính sách hiện tại của Washington, điều đó khiến cho mọi tổ chức tài chính nằm dưới sự kiểm soát của Taliban gần như không thể tham gia vào thị trường tài chính toàn cầu.

Chính quyền ông Biden có vẻ tin đây là một đòn bẩy Mỹ có thể sử dụng để tác động đến các hành động của Taliban hiện thời.

"Tôi nghĩ, họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồn tại... Họ có muốn được cộng đồng quốc tế công nhận như một chính phủ hợp pháp không? Tôi chắc chắn là họ có muốn. Họ cũng quan tâm đến việc liệu họ có thực phẩm để ăn, liệu họ có thu nhập hay không hoặc liệu họ có thể tạo ra bất khoản kỳ khoản tiền nào và điều hành một nền kinh tế hay không", ông Biden phát biểu tại một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin ABC ngày 19/8.

Nạn đói trong nước

Người dân Afghanistan đang phải hứng chịu nạn đói trên diện rộng, đặc biệt sau khi đợt hạn hán nghiêm trọng vừa qua đã tàn phá sản lượng lúa mì. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính, cứ 3 người Afghanistan thì có 1 người có nguy cơ bị đói nghiêm trọng hoặc cấp tính. Một nửa số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Các quan chức LHQ cho biết Taliban đã đảm bảo rằng, họ sẽ được phép tiếp tục phân phát hàng viện trợ lương thực vào quốc gia Nam Á.

Khả năng ứng phó của Taliban

Ông Zerden nhận định, ngoài những thách thức tài chính đang phải đối mặt, hiện vẫn không rõ Taliban phải chịu bao nhiêu tác động đòn bẩy từ các chính phủ nước ngoài. Song, cựu quan chức tài chính Mỹ không loại trừ khả năng các chính phủ phương Tây có thể ước tính quá cao số tiền Taliban thực sự cần để duy trì hoạt động của Afghanistan.

Lực lượng vũ trang Hồi giáo được đánh giá là ít tham nhũng hơn nhiều so với chính phủ vừa bị lật đổ, đồng nghĩa số tiền họ thu được sẽ ít bị các cá nhân cầm quyền bòn rút hơn. Ngoài ra, Taliban còn có khả năng tự tăng doanh thu.

Ông Zerden, người đang điều hành công ty Capitol Peak Strategies ở Washington giải thích, nhóm đã vận hành một chính quyền trong bóng tối suốt hai thập kỷ, đánh thuế hiệu quả những vùng đất rộng lớn của Afghanistan bằng cách chiếm lấy một phần tiền từ việc buôn bán thuốc phiện, khai khoáng bất hợp pháp và buôn lậu, đồng thời sử dụng những khoản tiền đó để cung ứng dịch vụ cho những người dưới quyền kiểm soát và tài trợ cho các hoạt động quân sự.

Giờ đây, với việc kiểm soát chính thức đối với tất cả các cửa khẩu biên giới, Taliban ở vị thế có thể bắt đầu thâu tóm phí hải quan đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Graeme Smith, một chuyên gia tư vấn thuộc Viện Phát triển hải ngoại (Anh) đã dành nhiều năm nghiên cứu về Afghanistan lưu ý, duy trì thương mại cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Taliban. Chừng nào các cường quốc trong khu vực như Pakistan, Trung Quốc và Iran tiếp tục giao thương với Afghanistan, họ sẽ mang lại nguồn thu ổn định và sinh lợi.

Ông Smith hoài nghi những dự đoán rằng Taliban sẽ bị lung lay trước những hứa hẹn về việc gia tăng sự hòa nhập vào nền kinh tế hiện đại nếu điều đó đồng nghĩa nhóm phải từ bỏ hệ tư tưởng cốt lõi của mình.

“Tôi đã nghe được thông tin không chính thức từ những người ở Washington rằng, Mỹ đặt nhiều hy vọng nhiều vào khả năng dùng đòn bẩy tài chính để kiềm chế hành vi của Taliban. Dù đòn bẩy đó sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng những kỳ vọng không khả thi. Mọi người có vẻ nghĩ rằng họ đang nắm trong tay nhiều sức mạnh hơn họ có", ông Smith nhấn mạnh.

Tuấn Anh

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden

Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích sau bài phát biểu về Afghanistan, gần 24 giờ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, thâu tóm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á.

Điều gì xảy ra ở Afghanistan sau hạn chót Mỹ rút quân?

Điều gì xảy ra ở Afghanistan sau hạn chót Mỹ rút quân?

Hạn chót Mỹ rút quân vào ngày 31/8 đang tới gần, và có nhiều câu hỏi về những gì sẽ xảy ra ở Afghanistan sau đó.