Gần 2 năm sau khi virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 được phát hiện, thêm một biến thể mới của nó vừa xuất hiện, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron.

Được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi tuần trước, Omicron giờ đã xuất hiện ở ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, khiến nhiều nước phải lên kế hoạch ứng phó. Các chuyên gia và nhà khoa học cũng vội vã vào cuộc tìm hiểu những khác biệt và tác động của biến thể này. 

{keywords}
Một loạt nước hạn chế đi lại đối với những người từ nam châu Phi. Ảnh: AP

Omicron được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại cùng với các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden vừa công bố chiến lược mới, thúc đẩy chương trình chủng ngừa và tiêm tăng cường cho đến khi có thêm thông tin về biến thể mới. Các chuyên gia nhận định phải 2-3 tuần nữa mới biết được Omicron lây nhiễm ở mức nào và liệu nó có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác hay không.

Các vắc xin ngừa Covid-19 hiện nay đã được chứng minh có hiệu quả cao trong ngăn chặn tình trạng người bệnh trở nặng và tử vong. Chúng được tin là có thể bảo vệ hiệu quả trước Omicron.  

Omicron được cho là có độ lây nhiễm cao

Virus gây Covid-19 bám vào các tế bào của con người bằng cách sử dụng một protein gai trong cấu trúc của nó.

Omicron có nhiều đột biến trên protein gai hơn so với Delta vốn có độ lây nhiễm cao gấp đôi so với các biến thể trước đó. Tuy chưa rõ Omicron có mạnh hơn Delta hay không, nhưng sự hiện diện của những đột biến ở biến thể này là một điểm gây lo ngại.

Nhiều nước trên thế giới đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ một số quốc gia phía nam châu Phi và siết chặt các hạn chế đi lại.

Xét nghiệm PCR có thể nhận diện Omicron

Xét nghiệm PCR sử dụng dịch hầu họng của một người để phân tích và tìm kiếm đoạn gen đặc trưng của virus corona. Loại xét nghiệm này có thể phát hiện biến thể nên không cần đến xét nghiệm máu hoặc các thủ tục y khoa khác.

Chưa rõ hiệu quả vắc xin đối với Omicron

Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem Omicron có thể gây nhiễm trùng đột phá ở những người đã tiêm đủ vắc xin và tái nhiễm ở những người đã có kháng thể nhờ khỏi Covid-19 trước đó hay không. Có thể mất 2-3 tuần trước khi có dữ liệu đầy đủ.

Tuy nhiên, giới khoa học hy vọng các vắc xin hiện nay sẽ vẫn cung cấp được sự bảo vệ trước biến thể mới. 

Kế hoạch B của các nhà sản xuất vắc xin 

Trao đổi với hãng tin BBC, Giám đốc Y tế của Moderna, Paul Burton, cho biết công ty của ông có hàng trăm người đang đánh giá mức độ hiệu quả của vắc xin và liều tiêm tăng cường đối với biến thể mới. Moderna cũng đang thử nghiệm một vắc xin ngừa Covid-19 mà có thể giúp phòng ngừa nhiều biến thể.

Ông Burton quả quyết, nếu Moderna cần bào chế một vắc xin mới được điều chỉnh chống Omicron thì hãng có thể đạt được vào đầu năm 2022.  

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Pfizer nói rằng hãng đang "liên tục tiến hành các nỗ lực giám sát, tập trung theo dõi các biến thể mới xuất hiện có khả năng vượt qua hàng rào bảo vệ mà vắc xin của chúng tôi đem lại". Theo người này, Pfizer có thể phát triển và sản xuất một loại vắc xin phù hợp chống lại Omicron trong khoảng 100 ngày.  

Johnson & Johnson cho biết đang hợp tác với các nhà khoa học ở Nam Phi và trên khắp thế giới để đánh giá hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa biến thể mới, và đã bắt đầu nghiên cứu một loại vắc xin mới được thiết kế chống Omicron.

Thanh Hảo  

Đông Nam Á có các ca mắc Omicron đầu tiên, WHO cảnh báo châu Á - Thái Bình Dương

Đông Nam Á có các ca mắc Omicron đầu tiên, WHO cảnh báo châu Á - Thái Bình Dương

Singapore và Malaysia trở thành hai nước Đông nam Á ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đều là những người trở về từ Nam Phi.