Theo hãng tin CBC, đề nghị trên được đưa ra 2 tuần sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo nếu Canada không nhận lại hàng tấn rác thải thì ông sẽ "tuyên chiến" và chuyển ngược các container rác này sang Canada.

{keywords}
Các nhà chức trách kiểm tra một container rác Vancouver ở Manila. (Ảnh: Canadian Press)

CBC dẫn lời Adam Austen, người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, cho biết Philippines vẫn chưa có phản hồi. Nếu đề nghị được chấp nhận thì số rác trên sẽ được đưa về Canada qua cảng Vancouver trước khi đem đi xử lý.

Theo CBC, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna nói bà sẽ không "suy đoán" số rác này sẽ được đưa về đâu và bà cũng không tiết lộ chi phí vận chuyển chúng về nước. Tuần trước, Sabrina Kim - Thư ký báo chí của bà McKenna, khẳng định Canada cam kết cộng tác với Philippines để giải quyết vấn đề này.

Tranh cãi giữa Canada và Philippines bùng nổ từ năm 2013 và 2014, khi một công ty Canada chuyển khoảng 103 container rác điện tử và rác sinh hoạt nhưng ghi nhãn nhựa tái chế tới một cảng gần thủ đô Manila.

{keywords}
Các nhà hoạt động môi trường Philippines dùng một container giả chứa rác để phản đối số rác thải chuyển từ Canada sang. (Ảnh: AP)

Đề nghị của Canaada được đưa ra cùng thời điểm Philippines yêu cầu Cục Hải quan nước này phải đưa số container rác trên trở lại một con tàu hướng tới Canada trước ngày 15/5.

Tháng trước, Tổng thống Duterte dọa "tuyên chiến" với Canada nếu nước này không nhận lại số rác đó và đặt ra tuần này là thời hạn chót để giải quyết vấn đề. "Tôi sẽ tuyên chiến chống lại họ", ông Duterte nói trong một video được phát sóng trên RTVM, cánh truyền thông của Văn phòng Tổng thống Philippines. "Tôi khuyên Canada rằng rác của các người đang trên đường. Hãy chuẩn bị lễ đón lớn. Cứ ăn nó nếu muốn... Rác của các người đang trở về nhà".

Năm 2016, tòa án của Philippines đã ra lệnh chuyển các container rác về Canada. Một luật sư của tỉnh British Columbia mới đây cũng nhận định Canada đã vi phạm Công ước Basel của Liên Hợp Quốc mà nước này là một thành viên. Công ước Basel cấm chuyển rác thải độc hại hoặc nguy hiểm sang các nước đang phát triển nếu không được phép.

Thanh Hảo