Các hãng tin lớn trong khu vực đã đồng loạt bày tỏ sự kính trọng đối với cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ngay sau khi ông qua đời ở tuổi 91.

TIN BÀI KHÁC:


Hãng Straits Times của Singapore viết: Ông Lý Quang Diệu "được đông đảo người dân coi là người có công lao lớn nhất trong việc định hình Singapore, từ thời ông và các đồng nghiệp trong Đảng Nhân dân Hành động thúc đẩy một chính phủ độc lập trong thập niên 1950, đòi tách khỏi Malaysia vào những năm 1960, và những nỗ lực của họ nhằm đảm bảo đất nước tồn tại sau tuyên bố độc lập vào ngày 9/8/1965.

{keywords}
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. (Ảnh: EPA)

Báo Today gọi ông Lý Quang Diệu là "một người không sợ hãi khi thách thức các ý thức hệ phổ thông của thời đại; ông không dính dáng đến các tín điều. Ngay khi đã cuối đời, Lý Quang Diệu vẫn tin vào sự thích nghi liên tục với những thực tại khắt khe của một thế giới đang thay đổi, và làm mới "bản đồ trí tuệ" của mình, ông không ngừng tìm kiếm đánh giá của các chuyên gia, viện sĩ, các nhà lãnh đạo chính trị, công nghiệp, các nhà báo và con người trên đường phố".

Tờ Lianhe Zaobao Hoa ngữ của Singapore nhận định, ông Lý Quang Diệu "đã để lại một di sản chính trị quý báu". "Các thế hệ mới sẽ tiếp tục từ nền tảng mà ông đã dựng lên và tạo được thành công sáng chói". Nhắc lại các chính sách và biện pháp mạnh tay của Lý Quang Diệu trong cuộc chiến chống tham nhũng mà thỉnh thoảng vẫn bị truyền thông nước ngoài lên án, tờ báo này dẫn lời ông từng nói rằng "người Singapore sẽ có tiếng cười sau cùng".

Ở Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa ca ngợi "sự can đảm" của cố Thủ tướng Singapore trong "đấu tranh chống truyền thông nước ngoài". "Các giá trị chính trị của ông Lý Quang Diệu chưa từng bị lung lay dù vấp phải sự chỉ trích và bêu xấu của báo chí nước ngoài", BBC trích dẫn một bài viết trên Tân Hoa xã.

Một số cổng thông tin trực tuyến của Trung Quốc phán ảnh mối quan hệ thân thiết giữa ông Lý Quang Diệu và các lãnh đạo trước kia của nước này. Tờ Nhật báo Trung Quốc đề cao "chủ nghĩa thực dụng ngoại giao" của ông Lý, ca ngợi ông "truyền cảm ứng cho những cải cách, mở cửa của Bắc Kinh".

Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Renmin ở Bắc Kinh bình luận với Nhật báo Trung Quốc rằng đóng góp to lớn của ông Lý Quang Diệu cho Trung Quốc là nỗ lực của ông muốn "chia sẻ những trải nghiệm thành công của Singapore về quản trị".

"Nhìn chung, Trung Quốc kính trọng ông... Hai bên có thể còn khác biệt ở một số vấn đề, bởi vì Singapore là một nước khác, nhưng sau tất cả... cũng là điều hoàn toàn tự nhiên khi ông Lý Quang Diệu hành động ngoài lợi ích đất nước và đưa ra một số quan điểm khác biệt".

Ở Đài Loan, đài Taiwan International đề cập đến "40 năm tình bạn" của ông Lý Quang Diệu. Bài viết nhấn mạnh ông là một nhân vật chủ chốt trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Ở Malaysia, một số trang web dành không gian trang nhất đưa tin ông Lý Quang Diệu từ trần. Báo Malaymail Online đăng lời chia buồn của Thủ tướng Najib Razak gửi tới chính phủ và nhân dân Singapore. Báo cũng gợi lại "các mối quan hệ gập ghềnh giữa hai nước trong phần lớn lịch sử, kể từ khi ông Lý Quang Diệu đưa Singapore tới độc lập năm 1965 sau một cuộc đoàn tụ ngắn nhưng đầy bão tố với Malaysia".

"Mặc dù vậy, các mối quan hệ bền vững vẫn quan trọng đối với cả hai bên, đặc biệt là các mối quan hệ thương mại gắn bó, và đã được cải thiện trong những năm gần đây dưới thời con trai ông Lý Quang Diệu, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, và ông Razak", tờ báo viết.

Nhiều trang web trên toàn châu Á cũng nhớ đến nhà lãnh đạo quá cố của Singapore. Carlton Tan viết trên Asian Correspondent rằng Singapore rồi sẽ không còn như cũ.

"Những người yêu quý ông sẽ khóc thương ông qua đời và ca ngợi cuộc đời ông. Nhưng người không ưa ông sẽ mừng về sự kiện này... nhưng ở đâu đó tận sâu trong đáy lòng, tất cả chúng ta đều biết rằng mọi thứ sẽ không như cũ nữa ở Singapoer sau thời Lý Quang Diệu", ông viết.

Thanh Hảo