Hơn 1/4 người Mỹ tốt nghiệp đại học bày tỏ hối tiếc vì đã vay những khoản học phí mà họ không có khả năng chi trả. Đây là lí do lớn nhất cho những hối tiếc về giáo dục của những người Mỹ đã tốt nghiệp đại học – theo một khảo sát của Payscale, thực hiện trong tháng 4 và tháng 5 và được công bố hôm 24/6 vừa qua.

Những người thuộc thế hệ Y (sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) thì đặc biệt hối hận với các lựa chọn tài chính không khôn ngoan của mình, thế hệ X (năm sinh 1964-1980) đứng thứ hai, và ngay cả một số người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Baby Boomer (1946 – 1964) cũng kể ra nợ nần là lí do khiến họ hối tiếc.

{keywords}
Biểu tình yêu cầu xóa nợ học phí ở Mỹ

Với tiền nợ học phí đại học dự kiến sẽ vượt quá 1.600 tỉ USD vào năm nay, vượt qua cả khoản nợ thẻ tín dụng đồ sộ của người Mỹ, cũng dễ hiểu tại sao nhiều người tốt nghiệp đại học lại ước gì họ đừng đặt bút kí giấy nợ ngay từ đầu, đặc biệt là khi học phí của ngay cả các trường đại học công cũng đã tăng hơn 62% trong một thập kỉ qua. Hơn 1/3 sinh viên học tập tại các trường đại học tư đã nói tiền nợ sinh viên là nỗi nuối tiếc lớn nhất của họ, trong khi chỉ gần 1/4 số sinh viên học trường công có cùng thái độ này.

Tuy nhiên, không phải cử nhân nào cũng ước gì họ đã chọn con đường khác. Những người có bằng kĩ sư có ít hối tiếc nhất trong những người thực hiện khảo sát, với 42% thỏa mãn với giáo dục đại học của mình. Ngành giáo dục đứng thứ 2, với 37% sinh viên không có hối tiếc gì, vượt qua ngành công nghệ thông tin với 35%. Những người tốt nghiệp các ngành khoa học công nghệ có xu hướng ít hối hận với số tiền nợ hơn, cũng dễ hiểu khi tiền lương trung bình trong các lĩnh vực này là khá cao.

Trong khi đó, có đến 3/4 các sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn bày tỏ hối hận về việc học của mình, trong đó có 21% hối hận về chuyên ngành mà mình đã lựa chọn, cho rằng các tấm bằng này khá “vô dụng” và không dẫn đến nhiều cơ hội nghề nghiệp. Ngược lại, có rất ít các sinh viên tốt nghiệp ngành kĩ sư hay công nghệ thông tin nào hối hận với lựa chọn chuyên ngành của mình.

{keywords}
Biểu tình yêu cầu xóa nợ học phí ở Mỹ

Chỉ có 34% người tham gia khảo sát cho biết họ không có hối hận gì – một con số đáng suy ngẫm, khi mà hầu hết các việc làm, ngay cả ở mức độ sơ đẳng, cũng yêu cầu có bằng đại học. Đặc biệt với sự phát triển của tự động hóa, lấy đi một phần lớn trong lao động không đòi hỏi kĩ năng và các việc làm công xưởng từng được thực hiện bởi con người, việc người Mỹ được trông đợi có bằng đại học là cao hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên, không may là cái giá cho tấm bằng đại học cũng chưa bao giờ cao hơn hiện nay. Khoảng 70% những người tốt nghiệp đại học khi bước ra xã hội đã phải chịu gánh nặng quá lớn từ tiền nợ học phí, với số nợ trung bình khoảng 33.000USD. Tiền nợ học phí của người từ 24 đến 32 tuổi đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2014.

Gánh nặng nợ nần đã góp phần vào sự tụt giảm trong tỉ lệ sở hữu nhà riêng và tiền tiết kiệm đối với những người thuộc thế hệ Y và X, nhiều người trong số họ không có chút tiền tiết kiệm nào để đặt cọc mua một căn nhà, chứ chưa nói đến việc nghỉ hưu. Hơn 300 triệu người ở độ tuổi trên 60 hiện vẫn đang miệt mài trả tiền nợ học phí, theo hãng CBS. Không như hầu hết các loại nợ khác, nợ học phí không được xóa khi một người tuyên bố phá sản.

Anh Thư