Được sử dụng máy thở có thể tạo nên khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với những người nhiễm Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Nhưng đôi khi, thậm chí cả những chiếc máy đó cũng không thể cứu cuộc đời bệnh nhân. 

Tắt máy thở là một phần công việc của Juanita Nittla.

Cô là y tá trưởng ở Khu Chăm sóc Tích cực tại Bệnh viện Royal Free ở London (Anh). Cô đã làm y tá chuyên chăm sóc tích cực trong suốt 16 năm qua.

“Công việc buồn bã và đau đớn. Đôi khi, tôi cảm thấy như thể mình có trách nhiệm nào đó trong cái chết của người khác”, Nittla tâm sự.

Những chiếc máy thở hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân khi virus nCoV gây suy phổi. Người bệnh có thêm thời gian để chiến đấu và phục hồi, nhưng đôi khi, máy móc vẫn không đủ.

Đội y tế phải đối mặt với những quyết định khó khăn khi ngừng việc chữa trị cho những bệnh nhân không còn cơ hội sống. Quyết định đó được đưa ra sau những cân nhắc cẩn thận, phân tích các yếu tố như độ tuổi, điều kiện sức khỏe, phản ứng với virus và cơ hội phục hồi.

Đầu ca sáng giữa tháng 4, Nittla nhận thông báo nhiệm vụ đầu tiên trong ngày của cô là chấm dứt việc điều trị của một y tá hơn 50 tuổi bị nhiễm Covid-19.

Theo quy định, Nittla sẽ phải thông báo với con gái của bệnh nhân qua điện thoại: “Tôi cam đoan với cô ấy rằng mẹ của cô sẽ không còn đau đớn và được thoải mái. Tôi cũng hỏi về những nguyện ước của mẹ cô và các thủ tục tôn giáo cần làm”.

Bệnh nhân của Nittla nằm trong một căn phòng có 8 giường, xung quanh đều là những người đang hôn mê.

“Tôi kéo rèm và tắt tất cả chuông gọi y tá”.

Các nhân viên y tế dừng lại một lúc và ngừng nói chuyện. Nittla đặt điện thoại sát tai bệnh nhân và đề nghị con gái của bà nói chuyện.

Cô bật bản nhạc mà gia đình yêu cầu. Rồi cô rút máy thở.

“Tôi đứng bên cạnh, nắm tay bà ấy cho tới khi bà qua đời”, cô nhớ lại.

Bệnh nhân qua đời chưa đầy 5 phút sau khi Nittla tắt máy thở.

“Nhịp tim trở về 0 - một đường thẳng hiện trên màn hình”, cô nói. Nittla ngắt ống truyền các loại thuốc giảm đau. 

Con gái bệnh nhân vẫn nói chuyện với mẹ và cầu nguyện qua điện thoại. Nittla cầm lấy ống nghe và thông báo mọi chuyện đã kết thúc.

Với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, Nittla tắm cho bệnh nhân, bọc thi thể của bà bằng một tấm vải liệm trắng và cho vào túi đựng.

Cơn ác mộng

Có thể chăm sóc cho những người hấp hối đã giúp Nittla đối mặt với cuộc khủng hoảng. Do tình trạng đột biến của các ca bệnh năng, số giường trong Khu Chăm sóc Tích cực của bệnh viện tăng từ 34 lên 60.

"Thông thường, chúng tôi duy trì tỷ lệ 1:1 (một y tá chăm một bệnh nhân). Bây giờ, một y tá chăm sóc cho 3 người. Nếu tình hình tiếp tục xấu hơn, một y tá sẽ chăm cho 6 bệnh nhân”, Nittla nói.

Một số y tá trong nhóm của cô có dấu hiệu của Covid-19 và tự cách ly. Bệnh viện đang đào tạo các y tá ở bộ phận khác để bù đắp sự thiếu hụt.

“Trước mỗi ca, chúng tôi nắm tay nhau và nói ‘an toàn nhé!'. Chúng tôi để mắt quan tâm tới nhau. Chúng tôi bảo đảm tất cả mọi người đều đi găng tay, đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ đúng chuẩn”, Nittla nói.

Mỗi ngày, Khu Chăm sóc Tích cực ghi nhận một ca tử vong.

“Thật nản lòng”, Nittla nói. Là y tá trưởng, đôi khi cô phải che giấu nỗi sợ hãi của mình.

“Tôi có những cơn ác mộng. Tôi không thể ngủ được. Tôi lo bị nhiễm virus. Mọi người đều sợ hãi”.

Năm ngoái, Nittla đã phải làm việc ở nhà nhiều tháng sau khi bị nhiễm lao. Cô biết phổi của mình đã bị yếu đi.

“Mọi người nói tôi không nên làm việc bởi đây là đại dịch. Tôi đã gạt tất cả sang một bên và làm công việc của mình”, cô nói.

“Khi hết ca trực, tôi lại nghĩ về những bệnh nhân do tôi chăm sóc đã qua đời. Nhưng tôi cố gắng quên đi khi bước ra khỏi cổng bệnh viện”.

Hiện tại, Nittla đã được cấp trên đề nghị ở nhà do cô có bệnh nền. Cô dự định tiếp tục hỗ trợ cho bệnh viện bằng cách làm các công việc hành chính từ xa.

An Yên (Theo BBC, Time 24 News)

Y tá được Thủ tướng Anh ca ngợi khi ông điều trị Covid-19

Y tá được Thủ tướng Anh ca ngợi khi ông điều trị Covid-19

Jenny McGee, nữ y tá người New Zealand cùng một đồng nghiệp nam được Thủ tướng Boris Johnson ca ngợi hết lời khi đã túc trực bên ông suốt 48 tiếng.