Hơn 300 suất quà được những tấm lòng thiện nguyện trao tặng cho các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang, Bắc Giang.

Sức ép bom từ chiến tranh khiến máu vẫn chảy

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang (Thành phố Bắc Giang) là một trong những trung tâm nuôi dưỡng số lượng lớn các thương bệnh binh nặng.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Tuất, giám đốc Trung tâm: Trung tâm thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tại đây, đang nuôi dưỡng 60 bệnh binh với tỉ lệ thương tật trên 81%.

{keywords}

Thương binh Nguyễn Công Hoan kể về những ngày chiến tranh giành độc lập.


Nhưng vì trang thiết bị cấp cứu ở trung tâm còn hạn chế nên nhiều khi, các bệnh binh ốm đau vẫn phải nhanh chóng chuyển các bác lên bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện tuyến trên để cấp cứu.

Có những chuyến xe chở các thương bệnh binh lên bệnh viện Bạch Mai khám, xét nghiệm máu, có những chuyến xe lúc nửa đêm đưa bệnh binh đi cấp cứu. Tất cả được làm với một trách nhiệm, với sự tri ân những thương bệnh binh đã cống hiến xương máu cho tổ quốc.

Trao đổi với phóng viên, bác Nguyễn Hữu Ấm, người đã ở đây từ năm 1976 chia sẻ: Bác là thương binh ¼. Khi tham gia chiến tranh, bác bị sức ép bom toàn phần nên phần đầu và cơ thể rất đau đớn. Mỗi khi trái nắng trở trời, toàn bộ người bác đau nhức.

Một trường hợp cũng bị sức ép bom khí là bác Nguyễn Công Hoan, sinh năm 1940 ở thôn Ba Đông, Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, Hưng Yên.

Hiện bệnh tình bác Hoan khá nặng, bác cho rằng vì sức ép bom khí cộng với chất độc hóa học mà Mỹ rải ở chiến trường Bình Trị Thiên khiến bác bị bệnh nặng.

Bác Hoan kể: “Nhiều khi máu mũi cứ chảy, cả máu chân răng. Nếu cơ thể có vết thương thì mãi không lành và máu không ngừng chảy. Trên cơ thể tôi giờ u cục mọc khắp nơi.

Tôi nhập ngũ tháng 2/1959, được huấn luyện trong thời bình 3 năm sau đó chuyển ngành về nông trường ở Hải Phòng.

Tháng 8/1964 Mỹ đánh miền Bắc thì thành đội Hải Phòng gọi tái ngũ. Tôi vào sư 350 ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Đầu năm 1966 vào chiến trường Trị Thiên Huế ở đơn vị pháo binh cối 82. Tôi là khẩu đội trưởng sau đó làm cán bộ trung đội phó hậu cần.

Tôi còn nhớ những ngày đó, mỗi khi trinh sát mật báo địa điểm pháo kích, chúng tôi lại hồi hộp chuẩn bị những khẩu pháo để đến giờ, lệnh phát thì bắn vào mục tiêu.

Năm 1972, khi tôi đang ở Huế, Mỹ rải chất độc. Sáng ra, chất độc đó đọng lại như hạt sương trên lá cây, bên đường.

Máy bay bay liên tục gầm rú suốt ngày đêm. Quân ta trú dưới hầm. Sáng ra mới biết nó rải chất độc. Tuần sau, những dải cây trụi hết lá. Lúc đó, sức khỏe anh em không có dấu hiệu gì.

Cũng năm đó, tôi đi công tác, bị bom ép chảy máu mũi, máu tai ngất xỉu. Tôi được chuyển đi bệnh viện rồi dần được chuyển ra ngoài Bắc. Lúc đó, sức khỏe tôi suy kiệt, hồng cầu, tiểu cầu giảm.

Tôi được chẩn đoán chấn thương cột sống, suy tủy nên nhiều khi chảy máu không cầm, tự nhiên chảy máu mũi.

Cách đây 2 năm, tôi có u cục ở cánh tay ngày càng to, bác sỹ bệnh viện Bạch Mai trích để sinh thiết, sau đó máu chảy không cầm. Tôi được truyền rất nhiều máu, nhờ đó, tôi mới sống được đến ngày nay”.
Bác Hoan giơ tay cho tôi xem, trên 2 cánh tay, từng khối u khổng lồ bám chặt lấy bác, u mọc cả ở chân, ở đầu gối.

Bác Hoan được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương giải phóng hạng 2 và 3; Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng 3.

Tấm lòng tri ân của các bác sỹ, dược sỹ

Nhân dịp cách mạng tháng 8, quốc khánh 2/9, nhằm tri ân hy sinh xương máu của các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.  Câu lạc bộ Bác sỹ và những người bạn i đến thăm, tặng hơn 300 suất quà cho các thương bệnh binh tại trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang và các thương bệnh binh, gia đình có công của ba xã Thái Đào, Xã Đại Lâm và xã Dĩnh Kế, tỉnh Bắc Giang.

Hoạt động này nằm trong chuỗi các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng do các đơn vị trên thực hiện trong năm 2015, với chủ đề “Tri ân mùa Thu -2015”.

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược mỹ CVI Pharma, nhãn hàng CumarGold (CLB Bác sỹ) chia sẻ: “Đây không chỉ là chương trình thiện nguyện thể hiện tình cảm và sự tri ân công đức của các thương bệnh binh, những người đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu cho nền độc lập của tổ quốc mà thông qua chương trình còn nhằm giáo dục ý thức trách nhiệm và khơi dậy tinh thần đền ơn đáp nghĩa, hướng về cộng đồng của toàn thể nhân viên

Bản thân bố tôi cũng là một cựu chiến binh, may mắn không phải để lại một phần xương máu nơi chiến trường nên chúng tôi càng thấy giá trị của sự hy sinh xương máu của mỗi thương bệnh binh nơi đây” .

Tại xã Dĩnh Kế, cựu chiến binh Lương Xuân Bích đã xúc động đọc bài thơ do ông sáng tác bày tỏ tình cảm của ông dành cho đoàn thiện nguyện: “Chữ tâm, chữ Đức luôn lưu giữ. Đạo lý sáng ngời trọn nghĩa nhân”.

Bác Bích cho rằng, chương trình tổ chức rất chu đáo, thân tình, chân thành. Và điều lớn nhất mà bác có là tình cảm của đoàn thiện nguyện gửi tặng.

H.Thúy