Ngày 9/6, WHO vừa thu hồi lại nhận định của một quan chức nói về những người nhiễm nCoV không triệu chứng.

Trước đó, chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove của WHO tuyên bố: “Từ các thông tin mà chúng tôi có được, dường như rất hiếm khi những người nhiễm Covid-19 không có biểu hiện bệnh lây sang cho một cá nhân thứ hai”.

Phát biểu này đã gây ra những phản ứng trái chiều trong tình hình nhiều nước vẫn đang phong tỏa và giãn cách xã hội.

{keywords}

Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ của WHO

Tuy nhiên, trong buổi họp báo hôm 9/6, bà Van Kerkhove cho rằng cuộc tranh cãi là một sự hiểu lầm. “Tôi không nói đó là nghiên cứu của WHO hay tổ chức nào cả. Chúng ta biết rằng một số người không có triệu chứng có thể truyền virus cho người khác”, bà Van Kerkhove cho hay.

Mike Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO, khẳng định: “Vẫn còn quá nhiều điều chưa biết về virus này và cơ chế lây nhiễm của nó”. Tuy nhiên, vị này cũng nói, những người có biểu hiện bệnh nặng sẽ có nguy cơ lây cao nhất.

Định nghĩa về “bệnh nhân không triệu chứng” là một vấn đề phức tạp. Một số người bệnh Covid-19 nhưng không bao giờ có biểu hiện cho tới khi khỏi. Các chuyên gia coi đây là trường hợp “không triệu chứng thực sự”.

Trong khi đó, một số người ủ bệnh kéo dài lên tới 14 ngày và có thể lây nhiễm virus trước khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở. Bác sĩ thường gọi đây là các trường hợp “tiền triệu chứng”.

“Đó là một vụ lộn xộn. Tôi không biết tại sao họ nói những bệnh nhân không triệu chứng rất hiếm khi lây khi chúng ta không biết chính xác nó phổ biến như thế nào”, giáo sư y học phân tử, Eric Topol, cho hay.

Ông cũng nói thêm: “Điều đó cũng không làm thay đổi thực tế mà chúng ta đã biết rằng virus này rất dễ lây và khó đánh bại”.

Keith Neal, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Nottingham (Anh) cũng đồng ý với quan điểm trên. Dù vậy, ông khẳng định, những người có triệu chứng rõ rệt là nguồn lây cho hầu hết các ca.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bất cứ ai có dấu hiệu bệnh Covid-19 cần đi xét nghiệm càng sớm càng tốt và cách ly cho tới khi có kết quả”, giáo sư Neal cho hay.

Đây không phải lần đầu WHO thay đổi thông báo của mình. Từ khi có dịch Covid-19, tổ chức này chỉ khuyên những người ốm, nhiễm bệnh và những người chăm sóc nên đeo khẩu trang y tế.

WHO cho rằng, người khỏe mạnh sẽ bị cảm nhận sai về sự an toàn khi đeo khẩu trang và họ có thể sử dụng hết khẩu trang mà các nhân viên y tế đang cần.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo mới, ngay cả những người khỏe cũng nên đeo khẩu trang vải, không phải khẩu trang y tế.

An Yên (Theo Washington Post, NY Post)

Phi công Anh ăn theo đường tiêu hóa, vẫy tay chào bác sĩ

Phi công Anh ăn theo đường tiêu hóa, vẫy tay chào bác sĩ

Phi công Anh, bệnh nhân 91 mắc Covid-19 tiếp tục cho thấy sự hồi phục diệu kỳ khi sức khỏe tiến triển từng ngày.