Trong bài phát biểu mới nhất, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương nhận định: “Biến thể Delta đang là mối đe dọa hiện hữu, thử thách năng lực hệ thống y tế công cộng vững mạnh nhất trong khu vực của chúng ta”.

Ông nhấn mạnh, với khả năng lây truyền cao hơn, biến thể Delta sẽ khiến các chùm ca bệnh nhanh chóng bùng phát thành ổ dịch lớn hơn, đặc biệt trong 3 môi trường có nguy cơ cao: không gian kín, nơi đông người và nơi mọi người tiếp xúc gần.

“Chúng ta cũng thấy nhiều hơn các chùm ca bệnh trong gia đình. Một khi virus xâm nhập vào gia đình, sẽ có thêm nhiều thành viên trong gia đình bị mắc bệnh. Đây chính là lý do vì sao các Chính phủ trong Khu vực đang áp dụng những hành động sớm và mạnh mẽ thông qua giãn cách xã hội và nhiều biện pháp khác để hạn chế lây nhiễm, tránh gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng”, Tiến sĩ Takeshi Kasai nói.

Theo ông, mỗi quốc gia cần tiếp tục thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát virus, đánh giá cẩn trọng và quản lý các nguy cơ trong từng bối cảnh.

Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương đặc biệt lưu ý các quốc gia có ít hoặc không có ca nhiễm cần đề cao cảnh giác trước sự lây lan nhanh, khó ngăn chặn của biến chủng Delta.

{keywords}
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương

Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. WHO đã đổi tên biến thể này thành Delta để đơn giản hóa tên khoa học B.1.617.2 ban đầu. Tới nay, chủng virus này đã xuất hiện tại gần 140 quốc gia trên thế giới.

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam lưu hành 7 biến thể của virus SARS-CoV-2. Riêng đợt dịch thứ tư, nước ta ghi nhận 2 chủng là Delta và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).

Trong đó, biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm "biến thể gây quan ngại", khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến thể Alpha (khả năng lây nhiễm của chủng Alpha cao hơn 60-70% so với chủng ban đầu).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định hôm 16/7, đợt dịch thứ tư tại Việt Nam sẽ kéo dài, gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng phân tích, biến thể Delta gây bùng phát đợt dịch này lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Virus biến thể có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào, từ đó dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

"Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán", Bộ trưởng nói.

Ngày 30/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh: “Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị do đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch”.

Không chỉ dễ lây lan, các chuyên gia y tế nhận định, biến thể Delta còn làm tăng nguy cơ nhập viện, khiến diễn biến nặng nhanh hơn.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, các bằng chứng thống kê lâm sàng chỉ ra biến thể mới Delta khiến các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng nhanh hơn các biến thể khác.

"Chính vì lý do này mà trong phác đồ điều trị Covid-19 mới của Bộ Y tế, đã rút ngắn thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng còn 5-8 ngày, so với 7-8 ngày như trước đây. Việc này giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn với những bệnh nhân mắc Covid-19, phân loại mức độ nặng đúng và sớm cho bệnh nhân. Từ đó, tránh việc phát hiện các triệu chứng nặng muộn gây khó khăn cho công tác điều trị”, bác sĩ Phúc phân tích.

Để ứng phó với biến thể Delta, WHO khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K, đeo khẩu trang và vệ sinh tay thường xuyên, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh đường hô hấp, che miệng khi ho, tránh những nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ.

Bên cạnh đó, hãy tiêm bất cứ vắc xin nào có sẵn khi đến lượt bạn để bảo vệ sức khỏe bản thân, giảm nguy cơ chủng virus Delta lây lan trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Nguyễn Liên

Người nhiễm biến thể Delta âm thầm lây bệnh 2 ngày trước khi có triệu chứng

Người nhiễm biến thể Delta âm thầm lây bệnh 2 ngày trước khi có triệu chứng

Biến thể Delta ngày càng phổ biến bởi tải lượng virus cao ở người mắc, thời gian bộc lộ triệu chứng chậm hơn.