Tuyệt vọng vì không thể có con

Ở tuổi gần 50, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa đã có con cái trưởng thành, vợ chồng anh Mẫn Xuân Minh, 47 tuổi và chị Nguyễn Thị Minh, 43 tuổi ở Hiệp Hoà, Bắc Giang mới bắt đầu học cách chăm trẻ con.

Bé Mẫn Thiện Nhân là con đầu lòng của anh chị, hiện mới gần 9 tháng tuổi. Ngắm nhìn cậu bé vui vẻ nô đùa, vợ chồng anh chốc chốc lại nhìn nhau mỉm cười.

Ít ai biết, để có được những giây phút hạnh phúc như hiện tại, 20 năm qua, vợ chồng anh đã trải qua chặng đường vô cùng tủi cực, vừa đau đớn, tuyệt vọng về tinh thần, vừa cạn kiệt về tiền bạc trên hành trình chạy chữa vô sinh.

{keywords}

Bé Thiện Nhân kháu khỉnh khi được hơn 9 tháng tuổi. Ảnh: T.Hạnh

 

Khi đã đi qua nửa cuộc đời, anh định buông xuôi nhưng chị Minh van xin: “Thôi em xin anh một lần nữa, dù kết quả thế nào em cũng toại nguyện, không còn gì hối tiếc nữa”. Và cuối cùng, ông trời cũng không phụ lòng người.

Chị Minh cho biết, vợ chồng chị kết hôn năm 1999 với ước vọng về một ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng trẻ thơ, dù vất vả nhưng 2 vợ chồng sẽ sát cánh cùng nhau, chăm chỉ làm lụng để nuôi các con.

Kết hôn không bao lâu, chị Minh mang thai lần đầu. Cặp vợ chồng trẻ khấp khởi với bao dự định, nhưng mọi tia hy vọng chợt vụt tắt khi bác sĩ thông báo thai chết lưu.

Lần thứ 2, tiếp tục là những tuyệt vọng khi thai không giữ được bao lâu. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận, chị Minh bị thai ngoài tử cung, lạc nội mạc tử cung, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vòi tử cung.

Dù vậy, ước muốn có một đứa con chưa bao giờ ngừng thôi thúc vợ chồng chị. Năm 2008, anh Minh mạnh dạn vay mượn tiền đưa vợ xuống Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm tại một bệnh viện lớn. Một số tiền lớn ra đi nhưng một lần nữa không có kết quả.

Kinh tế cạn kiệt, vợ chồng anh Minh quyết định dừng chạy chữa, anh phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền trả nợ.

Năm 2015, khi anh về nước, vợ chồng chị tiếp tục chạy chữa vô sinh khắp nơi, ai mách đông, tây y ở đâu cũng tìm đến nhưng kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Cũng trong năm này, chị Minh bàn với chồng tiếp tục đến một bệnh viện sản ở Hà Nội để làm thụ tinh nhân tạo, song nghĩ đến hành trình gian nan, tốn kém nên sau khi cân nhắc kĩ, vợ chồng chị quyết định dừng lại.

“Thời điểm ấy, vợ chồng tôi thấy tuyệt vọng vô cùng, nhiều đêm ôm nhau khóc khi quyết định dừng chữa vô sinh vì mình biết, nếu dừng lại đồng nghĩa ước muốn có con ngày càng xa vì mình ngày càng già”, chị Minh nhớ lại.

Dù nhiều người nói lời vào ra nhưng anh chị vẫn luôn yêu thương nhau. Chị bảo, may mắn lớn nhất của vợ chồng chị là được gia đình nhà chồng luôn thấu cảm, động viên.

“Tôi còn nhớ mãi câu nói của chị chồng rằng, con cái là lộc trời cho. Nếu không có thì 2 vợ chồng hãy sống thật hạnh phúc bên nhau, đừng chia tay. Mẹ chồng tôi trước khi mất cũng dặn dò 2 vợ chồng như vậy khiến tôi cảm động vô cùng”, chị Minh xúc động kể.

Trái ngọt sau 20 năm chờ đợi

Năm 2018, khi đọc được câu chuyện cặp vợ chồng lớn tuổi vẫn có con, niềm khao khát làm mẹ của chị Minh lại bùng dậy. Chị chia sẻ với chồng, anh suy nghĩ hồi lâu rồi an ủi vợ: “Mình không có con nhưng ở với nhau được đến bây giờ là hạnh phúc rồi. Trẻ mình đã thử cũng không có, giờ có tuổi lại không có tiền nên mình dừng thôi em ạ!”.

Nghe xong chị Minh bật khóc, van xin anh: “Thôi em xin anh một lần nữa, dù kết quả thế nào em cũng toại nguyên, không còn gì hối tiếc”.

Thấy vợ quyết tâm, anh Minh cùng vợ trở lại Hà Nội để tìm kiếm hy vọng. Khi đến BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội thăm khám, bác sĩ trách vợ chồng chị sao không quyết định sớm hơn vì khi nhiều tuổi, số lượng trứng và chất lượng trứng đều giảm.

Do số lượng phôi không nhiều, niêm mạc của chị Minh lại rất dày nên bác sĩ tiên lượng không thuận lợi, khuyên nên chuyển phôi xấu trước để thử.

Nghe vậy, chị Minh bàn lùi với chồng hay không chuyển nữa nhưng anh bảo thôi cứ chuyển và xin bác sĩ chuyển luôn phôi tốt. Chiều 19/1/2019, chị Minh thực hiện chuyển phôi.

{keywords}

Sau 20 năm chờ đợi, vợ chồng chị Minh hạnh phúc đón con đầu lòng ở tuổi U50. Ảnh: T.Hạnh

Những ngày sau đó, chị Minh lo lắng đến không ngủ được. Ngày thứ 6, chị lén vào nhà vệ sinh thử thai, vạch lên mờ mờ khiến chị vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc.

“Thật sự lúc đó tôi ngồi trong nhà vệ sinh khóc nức nở như một đứa trẻ nhưng vì chưa chắc chắn nên không dám báo với chồng. Sáng hôm sau, không thể chờ thêm nữa, tôi làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Kết quả tôi đã có thai. Vợ chồng tôi ôm nhau khóc nức nở không thể ngừng. Chồng tôi gặp ai cũng hét lên ‘vợ tôi tôi có thai rồi’. Đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời”, chị Minh nhớ lại.

Do tuổi đã cao, niêm mạc lại không tốt nên giai đoạn đầu, chị chảy máu âm đạo liên tục, thai bị doạ sảy nên phải nằm viện triền miên. Những ngày đó, chị Minh khóc nhiều vì lo, anh liền động viên: “em đừng khóc, cái gì đến rồi sẽ đến!”.

Sau nhiều nỗ lực, chị Minh giữ thai đến tuần 39, một bé trai khoẻ mạnh chào đời, được gia đình âu yếm đặt tên là Thiện Nhân với gửi gắm sau này con sẽ luôn nhân hậu và thiện lương.

Trực tiếp điều trị cho vợ chồng chị Minh, BS Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Nam học Hiếm muộn Hà Nội cho biết, vợ chồng chị Minh thực sự nỗ lực và khát khao có con, dù tuổi đã cao. Dù mang thai khó giữ, nhưng được điều trị kịp thời nên bé vẫn chào đời khoẻ mạnh.

“Giờ bé đã được hơn 9 tháng tuổi, mọi chỉ số phát triển bình thường. Khi nhìn con, chúng tôi không thể nào quên hành trình suốt 20 năm qua của mình để trân trọng hơn trái ngọt mình đang có. Chúng tôi đã đồng hành với nhau, ở cạnh nhau những lúc khó khăn nhất. Khi biết vợ chồng có con, bạn bè ai cũng mừng, có người gọi điện oà khóc vì thương, vì vui thay cho vợ chồng tôi”, chị Minh nói như khóc.

Sau 20 năm trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hy vọng, thất vọng rồi tuyệt vọng, giờ đây, vợ chồng chị Minh đang có những phút giây hạnh phúc nhất cuộc đời.

Từ câu chuyện của mình, vợ chồng chị Minh mong muốn, các gia đình hiếm muộn đừng vội bỏ cuộc, hãy kiên nhẫn, ‘trái ngọt’ sẽ tới.

Thúy Hạnh

Kỳ tích, cô giáo 60 tuổi sinh quý tử, nuôi con bằng sữa mẹ

Kỳ tích, cô giáo 60 tuổi sinh quý tử, nuôi con bằng sữa mẹ

Bé trai chào đời khi cô Nguyệt đã 60 tuổi và đến nay tròn 18 tháng nhưng vẫn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.