Càng nhanh càng tốt

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị, cần đưa chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em vào chiến dịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Theo ông Hùng, riêng TP.HCM có hơn 1,8 triệu trẻ trong độ tuổi đến trường. Khi đã tiêm phần lớn vắc xin cho người trên 18 tuổi thì "làn sóng nguy hiểm" sẽ dồn vào trẻ em.

{keywords}

Nhiều nước đã tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Ảnh minh họa: AP

Đồng quan điểm trên, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM khẳng định, việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ em cần làm càng nhanh càng tốt. PGS Phúc dẫn chứng, khi Mỹ phủ vắc xin cho toàn bộ người trưởng thành thì nay đang đối mặt với làn sóng mắc Covid-19 ở trẻ nhỏ.

Mặc dù trẻ mắc Covid-19 đại đa số đều nhẹ, khỏi bệnh nhanh nhưng cũng có tỷ lệ tử vong. “Thực tế thì số này cực kỳ ít nhưng có thể xảy ra với trẻ bị bệnh nền như thận, suyễn, béo phì, gan… mà trẻ em TP.HCM béo phì rất nhiều”, PGS Phúc phân tích.

Bên cạnh đó, trẻ em khi mắc Covid-19 vẫn có thể lây cho người khác. Điều này rất nguy hiểm nếu trong gia đình có người lớn mang bệnh nền, yếu tố nguy cơ.

Thế nhưng khi nào sẽ tiêm? Đây là câu hỏi không đơn giản.

Hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho người trên 18 tuổi chỉ đạt mức độ cao ở các địa phương vùng dịch (TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…) do ưu tiên phân bổ. Trong khi đó, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh miền núi phía Bắc, con số này vô cùng khiêm tốn.

“Các địa phương đó vẫn cần phát triển kinh tế, người dân vẫn cần được an toàn phòng dịch để lao động, do đó chúng ta không thể để họ thiệt thòi”, PGS Phúc chia sẻ. 

PGS Phúc đề xuất cần phải ưu tiên song song: vắc xin cho các địa phương còn lại trên cả nước và vắc xin cho trẻ em vùng kinh tế trọng điểm. Thực tế, rất nhiều nhân viên y tế tại TP.HCM vẫn chưa dám tiếp xúc với con cái vì con chưa được tiêm vắc xin.

“Trẻ phải đi học, cha mẹ phải yên tâm đi làm, vậy cần ưu tiên vắc xin cho trẻ em theo thứ tự. Nhưng tôi nhắc lại không thể bỏ quên người lớn ở các địa phương khác trên cả nước. Nếu không, sẽ không công bằng”, PGS Phúc bày tỏ.

Vắc xin Covid-19 nào cho trẻ em?

Đến nay, thế giới chỉ có vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận an toàn và hiệu quả cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, đó không phải lựa chọn duy nhất. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khẳng định, quan trọng nhất hiện nay là vắc xin Covid-19 phải an toàn cho trẻ. Sau đó mới tính đến hiệu quả.

“Vắc xin cũng như tất cả tiến bộ y khoa khác, công nghệ ngày càng mới. Với trẻ nhỏ, cái gì quá mới thì nên cẩn trọng. Nên chọn lựa công nghệ vắc xin tốt nhất nhưng kinh điển đã dùng nhiều cho trẻ”, bác sĩ Khanh thẳng thắn.

Theo ông, công nghệ vắc xin liên hợp (dùng nhiều trong vắc xin HIB, phế cầu, não mô cầu…) và công nghệ vắc xin tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị (nhiều nhất là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp và vắc xin cúm) là các công nghệ tiên tiến và an toàn cho trẻ hiện nay.

“Quan điểm của tôi, nên chọn tiêm vắc xin Cuba Abdala cho nhóm 7-17 tuổi và Soberana cho trẻ nhỏ hơn”, bác sĩ Khanh cho biết.

Trong khi đó, PGS.BS Vũ Minh Phúc cho rằng, vắc xin theo công nghệ virus bất hoạt tương đối an toàn cho trẻ. Công nghệ vắc xin mRNA quá mới và đã có những báo cáo về tỷ lệ tai biến.

“Báo cáo tại Mỹ, đặc biệt là thanh thiếu niên, là con trai, rất dễ bị viêm cơ tim khi tiêm vắc xin mRNA Covid-19, tất nhiên tỷ lệ rất thấp, thế nhưng vẫn có”, PGS Phúc cho biết.

Các chuyên gia đồng thuận, việc lựa chọn vắc xin Covid-19 nào cho trẻ nhỏ không phải dễ dàng, phụ thuộc rất lớn vào nguồn vắc xin của Việt Nam hiện tại. Quan trọng còn là yếu tố an toàn cho trẻ và sự đồng thuận của phụ huynh.

“Vắc xin nào cũng có nguy cơ, nhóm vắc xin công nghệ virus bất hoạt hiệu quả không cao nhưng an toàn, không tử vong; vắc xin mRNA hiệu quả cao, phòng ngừa tốt nhưng tỷ lệ tử vong là 1/1 triệu ca do viêm cơ tim. Tiêm thuốc nào phụ thuộc vào chiến lược chung của quốc gia, Bộ Y tế và lòng dân”, PGS Phúc bày tỏ.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em. Dự kiến cuối tháng 10 sẽ tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi.  Trong khi đó, TP.HCM dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các trường học vào tháng 1/2022.

>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất

Linh Giao

Cuối tháng 10 sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Cuối tháng 10 sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước và đoàn ĐBQH TP.HCM, nhiều cử tri ngành y tế  đề nghị triển khai sớm việc tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi.