Nhiều năm nay, bà Xuân thấy đau vùng thượng vị nhưng không đi khám, nghĩ viêm loét dạ dày thông thường nên tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên càng uống bà càng thấy đau tăng nặng.

Gần đây bà thường xuyên bị nôn mửa, gầy sút nhiều nên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiểm tra. Kết quả nội soi dạ dày và sinh thiết kết luận bà mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn, đã di căn, xâm lấn ra ngoài thành dạ dày, rất nhiều hạch xung quanh.

Bệnh nhân được mổ cắt toàn bộ dạ dày và vét hạch. 1 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục điều trị hoá chất.

Trường hợp khác là nam bệnh nhân 63 tuổi ở Hà Nội, cũng đau thượng vị nhiều năm, được chẩn đoán viêm dạ dày và điều trị nhiều đợt, tuy nhiên không nội soi dạ dày kiểm tra.

{keywords}

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày có các biểu hiện giống viêm loét dạ dày nên dễ bị bỏ qua 

 

Đợt này, bệnh nhân đau tăng, ăn uống kém, gầy sút cân, nôn mửa nhiều kèm đại tiện phân đen, đi khám nội soi thì phát hiện ung thư di căn.

TS Đặng Quốc Ái, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn do chủ quan không thăm khám, bỏ qua các triệu chứng sớm.

"Hiện nay việc chẩn đoán ung thư dạ dày không khó, đơn giản là nội soi dạ dày và sinh thiết tổn thương. Song hầu hết người bệnh ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, đã có biến chứng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ khỏi bệnh và tỉ lệ sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp", TS Quốc Ái chia sẻ.

Ung thư dạ dày được chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn sớm và giai đoạn tiến triển.

Biểu hiện lâm sàng của ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường nghèo nàn, các triệu chứng giống như viêm loét dạ dày: Chán ăn, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, đau nóng rát hoặc căng tức vùng thượng vị, cảm giác ậm ạch khó tiêu và ăn nhanh no.

Ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hơn như mệt mỏi, sút cân, đau vùng thượng vị liên tục, nôn mửa và có khi nôn ra máu, đai tiện phân đen, thiếu máu với biểu hiện da niêm mạc nhợt và số lượng hồng cầu giảm qua xét nghiệm.

TS Quốc Ái cho hay, việc phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị. Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân có thể chỉ cần nội soi, cắt hớt niêm mạc dạ dày.

Với các giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc toàn bộ, vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau phẫu thuật, tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, bệnh nhân có thể được xạ hoặc hoá trị.

Rêng những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật triệt căn nữa, chỉ có thể phẫu thuật điều trị triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ, kết quả điều trị ít khả quan.

Thống kê cho thấy, tỉ lệ sống sau 5 năm với ung thư dạ dày giai đoạn sớm 70% - 85% đối với các trường hợp có di căn hạch và 90% - 95% đối với các trường hợp không có di căn hạch.

Ngay cả khi khối u đã ăn ra hết các lớp dạ dày nhưng nếu vẫn còn phẫu thuật triệt căn được thì tỉ lệ sống thêm sau mổ 1 năm là 92%, 3 năm là 65% và 5 năm là 47%.

Các nghiên cứu cũng đã chứng minh cho thấy việc điều trị hoá chất sau mổ giúp kéo dài thời gian sống và làm tăng tỉ lệ sống 5 năm sau mổ.

Trong một nghiên cứu gần đây đối với bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 3C cho thấy chỉ có 5,7% nhóm không điều trị hoá chất sống thêm 5 năm sau mổ, trong khi tỉ lệ này ở nhóm điều trị hoá chất là 21% ở giai đoạn 3B, tỉ lệ này lần lượt là 24,3% và 40%.

Theo số liệu của WHO, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong.

Nếu xét trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu khảo sát, ung thư dạ dày của Việt Nam đang xếp vị trí 14, với tỉ lệ 10,2/100.000 dân. Hàn Quốc xếp số 1 với tỉ lệ 23,5/100.000 dân, Nhật Bản ở vị trí số 3, tỉ lệ 16, với tỉ lệ 12,3/100.000 dân, Trung Quốc xếp vị trí thứ 8.

Tuy nhiên do tỉ lệ phát hiện giai đoạn sớm rất thấp nên tỉ lệ sống sau 5 năm tại Việt Nam thấp hơn các nước Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bác sĩ khuyên, người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày, tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày, có tiền sử viêm loét dạ dày, có các biểu hiện đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn... cần đến các cơ sở khám chữa bệnh có nội soi dạ dày để kiểm tra.

Trong đó những người trên 40 tuổi nên thực hiện nội soi dạ dày mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao, từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.

Thúy Hạnh