Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, ngày 20/6, một bệnh nhi 9 tuổi, trú thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) tử vong do bị bạch hầu biến chứng vào tim.

Ngày 19/6, bệnh nhân được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… Em nhỏ sau đó diễn biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đến sáng 20/6, bệnh nhi tử vong, nguyên nhân do bạch hầu ác tính biến chứng tim.

Bệnh nhân thứ hai là Ma Văn Th., 9 tuổi, là hàng xóm và có tiếp xúc thường xuyên với em nhỏ tử vong trên.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

{keywords}

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh.

Các triệu chứng của bệnh là sốt, viêm họng, mũi, thanh quản, họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

Khi khám, bác sĩ có thể thấy có giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ sẽ bị hòa tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

Biến chứng của bệnh là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Các vị trí gây bệnh sẽ có triệu chứng và biến chứng khác nhau.

Có ba vị trí điển hình của bệnh bạch hầu: Thứ nhất là bạch hầu mũi trước. Khi bị ở vị trí này, bệnh nhân có biểu hiện sổ mũi, những chất mủ mũi nhầy, có thể lẫn cả máu. Người chỉ có triệu chứng này thì bệnh thường nhẹ vì độc tố của vi khuẩn ít xâm nhập vào máu.

Thứ hai, bệnh ở vùng bạch hầu họng và amidan sẽ có biểu hiện đau rát cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều. Sau khoảng 2-3 ngày, vùng amidan hoặc hầu họng sẽ xuất hiện những đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc.

Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh, trường hợp nặng, bệnh nhân mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị có thể tử vong do độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu nhiều, gây nhiễm độc toàn thân.

Thể nặng nhất là bạch hầu thanh quản. Bệnh nhân thường tiến triển nhanh nhất, đặc biệt là trẻ em. Người bệnh thường sốt, khàn giọng, ho to và nhiều; khám có thể thấy hình ảnh nhiều giả mạc tại thanh quản.

Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, những giả mạc này có thể gây bít tắc đường thở, khiến bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm độc và tê liệt các dây thần kinh sọ não, vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc gây viêm cơ tim và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Theo PGS Phu, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin. Có nhiều loại vắc xin để có phòng ngừa bệnh bạch hầu như vắc xin 3 trong 1; 4 trong 1; 5 trong 1 hay vắc xin 6 trong 1 có phòng ngừa cho 6 loại bệnh truyền nhiễm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 24 tháng tuổi cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. 

Khánh Chi

Bất tỉnh vì uống nước đá giữa trời nắng nóng

Bất tỉnh vì uống nước đá giữa trời nắng nóng

Sau khi uống liền 2 chai nước đá, người đàn ông đột nhiên thấy buồn nôn, người lâng lâng rồi ngã quỵ, bất tỉnh.