Trong giai đoạn 2015-2019, Dự án HPET đã phối hợp và hỗ trợ Vụ Tổ chức Cán bộ, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội và Viện Y tế công cộng TP.HCM để triển khai thực hiện xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý y tế và nâng cấp, đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho 2 cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý y tế thuộc đại học y tế công cộng và và Viện Y tế công cộng TP.HCM.

Kết quả, 20 chương trình đào tạo được phát triển và chuẩn hóa bao gồm: 4 “Chuẩn năng lực lãnh đạo quản lý cơ bản” cho các đối tượng cán bộ quản lý bao gồm: Lãnh đạo Bệnh viện, Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo các Đơn vị y tế Dự phòng và kiểm soát bệnh tật, Thanh tra y tế; 5 chương trình đào tạo lãnh đạo quản lý y tế; 5 chương trình đào tạo cấp phòng; 5 tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức y tế.

Đến nay, có 1.579 cán bộ quản lý hoàn thành ít nhất một khóa học về quản lý y tế. Năm 2020 tiếp tục tổ chức đào tạo thêm 800 học viên, đảm bảo chỉ tiêu ít nhất 2.300 học viên được tham gia khóa đào tạo về quản lý y tế.

Theo lãnh đạo dự án HPET, sau khi tổ chức các khóa tập huấn đầu tiên cho các đối tượng là Giám đốc sở Y tế, Giám đốc bệnh viện, Giám đốc đơn vị y tế dự phòng, một khảo sát nhanh đã được thực hiện với hơn 1.000 cán bộ đã tham dự khóa học và kết quả khảo sát cho thấy gần 94% học viên thấy quyết định tham gia khóa học là đúng đắn; 96% học viên mong muốn được hỗ trợ tiếp tục để có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn; 86% học viên tin nội dung khóa học sẽ giúp họ thành công trong công việc và 92% học viên tin rằng nên áp dụng những kiến thức học được vào công việc.

Ngoài phối hợp với các đơn vị trong nước để triển khai thực hiện xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, Dự án HPET còn tuyển chọn 3 tư vấn cá nhân quốc tế (ĐH Harvard và ĐH Melbourne) và 4 tư vấn cá nhân trong nước để phát triển chương trình và giảng dạy các khóa đào tạo đổi mới hệ thống y tế và hoạch định chính sách y tế Việt Nam (Vietnam Health Executive Program - VHEP) theo mô hình Flagship của Ngân hàng Thế giới. Một chương trình đào tạo được đánh giá là thành công nhất của Ngân hàng Thế giới trong xây dựng năng lực cho ngành y tế tại các nước đang phát triển.

111 cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ y tế, lãnh đạo các bộ ngành liên quan và Sở Y tế một số tỉnh đã tham gia khóa học này. Trên 90% số học viên đánh giá tốt và rất tốt đối với các chỉ số về sự đáp ứng với kỳ vọng của học viên đối với khóa học; mức độ phù hợp của nội dung; có được kỹ năng tư duy trong giải quyết vấn đề hệ thống y tế vào lĩnh vực phụ trách và đặc biệt mức độ hài lòng chung với khóa học là rất cao (97,8%).

Ngoài đào tạo nhân lực y tế, Dự án cũng phối hợp cùng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Y tế tổ chức, triển khai các hoạt động liên quan nâng cao năng lực quản lý và sử dụng nhân lực y tế.

{keywords}
 

Dự án HPET cũng hỗ trợ kinh phí tuyển dụng và đào tạo chuyên khoa 1 cho các Bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia dự án 585 của Bộ Y tế - Dự án “Thí điểm Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn sau khi các bác sỹ hoàn thành khóa học CKI.

Đến 31/12/2018 đã tuyển dụng, đào tạo được 354 bác sỹ trẻ tình nguyện. Bộ Y tế đã giao cho trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Hải Phòng và Đại học Y Dược Huế tổ chức đào tạo.

Đến tháng 2/2020 đã có 151 bác sĩ trẻ tình nguyện được cử về công tác tại 51 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

{keywords}
 

Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người làm được 50 thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…, đảm nhận 50% đến 60% công việc chuyên môn.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

(Nguồn: HPET)