Bệnh nhân Đỗ Duy Bình, 55 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ cho biết, trong suốt 10 ngày trước khi đến viện, ông thường xuyên ho khan. Dù đã đi nhiều cơ sở y tế khám nhưng không tìm ra bệnh. Khi đến BV đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông Bình được bác sĩ thông báo phát hiện tổn thương ở đỉnh phổi phải.

Làm thêm sinh thiết, bác sĩ kết luận ông mắc ung thư phổi biểu mô không tế bào nhỏ, chỉ định phẫu thuật cắt u, cắt thùy trên phổi phải, nạo vét hạch.

Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tự thở lại, phổi thông khí tốt và người bệnh đã tự đi lại được. 

{keywords}
Khối u ở phổi sau khi được cắt bỏ

 

ThS.BS Nguyễn Văn Thư, Giám đốc trung tâm Ung bướu, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trường hợp bệnh nhân Bình may mắn đến BV khi khối u vẫn còn phẫu thuật được, còn lại trong suốt nhiều năm qua, hầu hết bệnh nhân bị ung thư phổi đến khám khi đã ở giai đoạn muộn do trước đó không thấy biểu hiện bệnh rõ ràng.

Qua đây bác sĩ Thư cũng khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm liền, ung thư phổi ở cả 2 giới luôn đứng hàng đầu, nhưng đến 2018, tụt xuống vị trí thứ 2 sau ung thư gan với gần 24.000 ca mắc mới.

Tuy nhiên đến nay, điều trị ung thư phổi vẫn là thách thức khi số chết gần tương đương mắc mới, với hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm.

{keywords}
Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ

 

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, nguyên nhân tỉ lệ ung thư phổi tử vong cao do có tới hơn 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu, triệu chứng rất mơ hồ như đau tức ngực, ho ra dây máu nhưng dễ nhầm với lao. Chỉ đến khi bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở thường xuyên mới đến bệnh viện khám thì đã ở giai đoạn muộn.

PGS Quảng khẳng định, gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút thuốc trực tiếp, nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động từ những người trong gia đình hoặc môi trường xung quanh.

Do đó bác sĩ khuyến cáo, ở lứa tuổi ngoài 50, cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.

Thúy Hạnh