Theo đó, tất cả 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã đồng loạt tổ chức tiêm chủng mở rộng trở lại, thực hiện tiêm cho các đối tượng đến lịch tiêm trong tháng 5/2020 và tiêm bù cho các trường hợp chưa được tiêm trong thời gian tạm hoãn.

Việc tiêm chủng mở rộng dự kiến vẫn được triển khai mỗi tuần một lần tại các trạm y tế. Tùy thuộc vào từng trạm y tế các buổi tiêm chủng mở rộng sẽ được tổ chức vào các ngày khác nhau trong tuần, về cơ bản, thường vào thứ Tư hằng tuần. Những trạm y tế có đông đối tượng tiêm chủng sẽ chủ động tiêm 2 ngày/tuần để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, các buổi tiêm được tổ chức phải bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế và hướng dẫn của dự án tiêm chủng mở rộng, bố trí đúng quy trình một chiều, phụ huynh đưa con đến tiêm phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhanh trước khi vào cơ sở y tế. Các điểm tiêm chủng bố trí vị trí điểm chờ thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m; bố trí thêm phòng, mở rộng diện tích phòng theo dõi trẻ sau tiêm chủng 30 phút, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng. Tất cả người đưa trẻ đi tiêm chủng đều được đo thân nhiệt trước khi đưa trẻ vào điểm tiêm...

Bên cạnh đó, một số điểm tiêm chủng lập danh sách đối tượng đến tiêm theo khung giờ, bảo đảm không quá 20 người trong cùng thời điểm và không quá 50 đối tượng tại một điểm trong mỗi buổi tiêm, đối tượng tiêm chủng được sàng lọc trước buổi tiêm chủng. Những trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp được tư vấn không đưa đi tiêm.

Trước đó, từ 1/4/2020 do thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạm ngừng trên toàn quốc. Ngày 25/4/2020 một số tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Hồng đã triển khai tiêm chủng trở lại. Riêng tại Hà Nội vẫn còn khu vực ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín thực hiện cách ly nên phải lùi thời điểm tiêm chủng trở lại.

Bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc các loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Sau một thời gian thí điểm, chương trình tiêm chủng mở rộng từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng và các loại vắc xin. Đến nay, đã có 12 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

D. An