Chị U.H. vừa có kết quả dương tính với nCoV và được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đã được mấy hôm, nhưng chưa nhận được túi thuốc giành cho F0 điều trị tại nhà. Không biết liên hệ nơi nào để được cấp thuốc, ngày 6/9, chị vào nhóm hỗ trợ F0 nhờ giúp đỡ.

Sau khi được tư vấn, chị gọi đến trạm y tế lưu động địa phương mới được cấp phát túi thuốc dành cho F0 có triệu chứng nhẹ.

Tại cuộc họp cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP chiều 6/9 nhiều phóng viên đặt câu hỏi lý do tại sao nhiều F0 cách ly, điều trị tại nhà lại chậm nhận thuốc. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời gian qua, Bộ Y tế đã cho phép TP thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà nếu đủ điều kiện. Điều này, giúp người bệnh có tâm lý thoải mái và giảm tải cho ngành y tế.

{keywords}
Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) tính đến ngày 4/9, TP có 111.395 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Trong đó, có 83.861 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 27.534 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 24.140 người.

Bác sĩ Châu cho biết, từ ngày 23/8, TP tiến hành xét nghiệm diện rộng nên số ca F0 cộng đồng có dấu hiệu tăng lên. Số ca F0 tăng cao, danh sách có thời điểm không được cập nhật kịp thời, trong khi đó, các cơ sở y tế tại phường, xã không đáp ứng kịp dẫn đến tình trạng chậm cấp phát túi thuốc tới người bệnh.

Ngoài ra, gói thuốc C – thuốc kháng virus Molnupiravir cần sự kiểm soát chặt từ Bộ Y tế, người sử dụng phải có cam kết nên việc triển khai túi thuốc đến bệnh nhân Covid-19 có sự chậm trễ nhất định so với túi thuốc A và túi thuốc B thông thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, để không còn tình trạng F0 chậm nhận thuốc, Sở Y tế đã tăng cường thêm 40 đội y, bác sĩ hỗ trợ cho các quận, huyện, phường, xã. Ngoài ra, lực lượng quận đội cũng tăng cường thêm 28 đội quân y lưu động cho TP.

Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cải tiến quy trình làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phát thuốc. Trong đó biện pháp được tính đến là phát thuốc ngay khi phát hiện F0, giữa các đội xét nghiệm, tiêm chủng và chăm sóc F0 phải có sự kết hợp với nhau. TP cũng sẽ bổ sung các trang thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác nhập liệu thông tin F0 được chăm sóc tại nhà giúp quản lý thông tin người bệnh dễ hơn.

Bác sĩ Châu nhấn mạnh, việc củng cố hệ thống y tế cộng đồng, đặc biệt tại phường, xã là chiến lược quan trọng của TP hiện nay và thời gian tới nhằm giúp các tầng điều trị hạn chế số F0 chuyển nặng, giảm thiểu trường hợp tử vong.

Tú Anh

 

Điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 bị đột quỵ

Điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19 bị đột quỵ

Là F0 được xuất viện về nhà cách ly, anh L. bị hôn mê và được người nhà đưa đi cấp cứu.