Báo cáo tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP.HCM khóa X, ngày 19/10, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, TP đã trải qua 2 tháng đỉnh điểm của dịch dù đã nỗ lực thiết lập các bệnh viện điều trị Covid-19.

{keywords}

Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại các trung tâm hồi sức

Trước đó, vào tháng 5/2021, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng của các quận, huyện trên toàn thành phố đều ở cấp độ 1. Tương ứng dưới 20 ca mắc mới trong 100.000 dân mỗi tuần.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2. Mỗi tuần, số ca mắc tăng nhanh từ 1.674 ca lên 3.317 ca, số tử vong tăng từ 7 lên 20 người.

Giai đoạn này, TP đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến với 900 giường. 9 bệnh viện chuyển đổi công năng thành điều trị Covid-19 với 4.238 giường.

Toàn TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5.Thế nhưng, dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng. Đến ngày 7/7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất ở hầu hết các quận huyện, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca.

TP bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}

“Toàn TP  tập trung mọi nguồn lực, thực hiện tất cả các biện pháp, hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm mục tiêu kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân”, ông Thượng cho biết.

Mặc dù vậy, dịch bệnh lây lan rất nhanh. Tính đến ngày 16/7, tình trạng dịch của TP.HCM tiếp tục chuyển sang cấp độ 4, số ca nhập viện lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.

25 bệnh viện dã chiến, 54 bệnh viện được chuyển công năng, nhưng tất cả đều quá tải bệnh nhân Covid-19. Từ ngày 18/8 đến 24/8, TP có đến 2.105 ca tử vong (trung bình 300 ca mỗi ngày).

Trong vòng 1 tháng sau đó, TP tiếp tục thành lập thêm 7 bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp, bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện.

Cuối tháng 8, TP có đến 17.403 ca mắc mới trong ngày cao điểm. TP phải chăm sóc cho 104.493 F0. Trong đó có 39.611 bệnh nhân nặng, 47.920 F0 tại nhà và 16.962 tại các khu cách tập trung.

“Suốt gần 2 tháng từ 15/7 đến 15/9, TP.HCM đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh, chưa từng xảy ra trong lịch sử”, PGS Tăng Chí Thượng cho biết.

Từ ngày 28/7, TP triển khai thí điểm chương trình điều trị F0 tại nhà. Bộ Y tế hướng dẫn và cung cấp thuốc Molnupiravir sử dụng có kiểm soát cho các F0 có triệu chứng nhẹ.

Nhờ đó, F0 điều trị tại nhà đã tăng lên, chiếm đến 40% tổng số F0 của TP. Nhiều người bệnh đã khỏi, góp phần giúp giảm tải cho các bệnh viện tầng trên.

{keywords}

Nhân viên y tế quá tải trước áp lực dịch bệnh

Ông Thượng cho rằng, cũng không thể không nhắc đến thuốc Remdesivir, là một thuốc kháng virus thứ hai dạng TTM dùng trong các trường hợp có độ nặng trung bình tại các bệnh viện tầng 2, làm giảm hẳn số trường hợp chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3.

Nhờ được ưu tiên phân bổ vắc xin, TP có đến 98,8% người trên 18 tuổi tiêm vắc xin 1 mũi, số tiêm đủ 2 mũi là 76,3%. 

Trong đó, 76,11% người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi, 77,86% người trên 65 tiêm đủ 2 mũi.

“Sau 3 tuần triển khai Chỉ thị 18, tình hình dịch bệnh tại TP đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định về tình hình dịch của điểm nóng Covid-19 thời điểm hiện tại.

Số ca mắc mới, thu dung điều trị mỗi ngày giảm ở tất cả các tầng.

Số ca bệnh nặng và số ca tử vong tiếp tục giảm qua nhiều ngày liên tiếp.

Đến ngày 19/10, TP.HCM chỉ còn 968 ca mắc mới, đang điều trị 28.070 F0. Trong đó, 11.531 ca tại bệnh viện, 11.702 F0 tại nhà và 4.837 F0 đang cách ly tập trung.

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Linh Giao

Số tử vong tại TP.HCM giảm 289 ca so với ngày đỉnh điểm

Số tử vong tại TP.HCM giảm 289 ca so với ngày đỉnh điểm

Ca tử vong tại TP.HCM liên tục giảm sâu và giữ vững hai con số, đến nay chỉ còn 51 ca, giảm 289 ca so với ngày đỉnh điểm khi bước vào đợt giãn cách tăng cường (22/8).