Chỉ trong vòng 10 ngày qua, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra 2 vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn, cướp đi sinh mạng của 3 người phụ nữ xấu số. Nguyên nhân cả 2 vụ tai nạn đều do tài xế sử dụng rượu bia quá chén, say xỉn.

Đây thực sự là hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng rượu bia tại Việt Nam, nhất là khi văn hoá “zô zô” phổ biến đến mọi hang cùng ngõ hẻm, nhà giàu cũng uống, nhà nghèo cũng nhậu, vui cũng uống, buồn uống và ép nhau uống bằng được như hiện nay.

Bia hay rượu hại như nhau

Không chỉ cánh mày râu, nhiều người Việt chưa hiểu đúng về tác hại của bia rượu. Phần lớn người dân đều cho rằng bia nhẹ hơn rượu, uống chỉ để giải khát, uống no không say.

Tuy nhiên, tác hại cho sức khoẻ là do chất cồn (ethanol) có trong rượu, bia gây ra. Vì vậy, tác hại với sức khoẻ do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống là bia, rượu hay rượu vang... mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại).

{keywords}
Bảng quy đổi nồng độ cồn từ các loại đồ uống

 

Theo quy chuẩn của WHO, 1 đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3).

1 đơn vị cồn = 10g côn nguyên chất. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương 1 cốc bia 330ml (4%), 3/4 lon bia 330ml (5%) hay 1 chén rượu 30ml rượu mạnh 40 độ, 1 ly rượu vang 100ml (13,5%).

Một người được cho là uống rượu bia ở mức có hại khi trong vòng 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên.

Đáng lo ngại, theo Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, 44% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại, tăng gần gấp đôi so với điều tra năm 2010.

Nếu chỉ tính riêng nhóm trưởng thành (từ trên 15 tuổi ở cả 2 giới), lượng cồn bình quân 1 người tiêu thụ mỗi năm tăng nhanh từ 3,8 lít giai đoạn 2003 – 2005 lên 4,7 lít năm 2009 – 2011 và 8,3 lít trong giai đoạn 2015 -2017, tương đương 217 lít bia hoặc gần 20 lít rượu mạnh 40 độ.

Dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả để kiểm soát, lượng cồn trung bình ở người trưởng thành tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên 9,9 lít và tiếp tục tăng lên 11,4 lít vào năm 2025. Trong khi đó suốt 10 năm qua, nồng độ cồn/đầu người trên toàn thế giới vẫn giữ nguyên 6,4 lít.

Hiện tại, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam đang đứng thứ 10 thế giới, thứ 3 trong châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản), trong khi cách đây 10 năm, Việt Nam vẫn xếp thứ 8 châu Á.

Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp vả khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. Đến năm 2017, chỉ tính riêng lượng tiêu thụ bia đã vượt qua con số 4,05 tỉ lít bia (tăng gần 6% so với 2016) và đến 2018, tiếp tục tăng lên 4,67 tỉ lít bia.

Con số này đã Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới, trong khi các nước trên thế giới đang giảm dần.

Nếu chỉ tính riêng 4 tỉ lít bia, mỗi năm người Việt chi 4 tỉ USD. Nếu tính chung cả rượu bia, mỗi người Việt bỏ ra 300 USD/người/năm để uống loại đồ uống này (tương đương gần 7 triệu đồng).

Gần 80.000 chết mỗi năm do rượu bia

Nhiều quý ông vin vào một số nghiên cứu trước đây cho rằng uống lượng nhỏ bia, rượu mỗi ngày sẽ giúp tim hoạt động tốt hơn, tuy nhiên bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, những nghiên cứu mới nhất cho thấy, rượu bia không có tác dụng bảo vệ đối với các bệnh tim mạch.

Bà Trang cũng dẫn chứng nghiên cứu cho thấy, rượu bia là nguyên nhân có hơn 32% các vụ tai nạn giao thông ở nam giới và gần 20% ở nữ giới.

Người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dL có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không uống.

{keywords}
Nguyên nhân vụ tai nạn tại hầm Kim Liên, Hà Nội vào rạng sáng 1/5 khiến 2 phụ nữ tử vong là do tài xế uống rượu bia quá chén


Rượu bia cũng là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hoá xã hội...

Theo ước tính, thiệt hại về kinh tế do rượu bia tại các quốc gia chiếm 1,3 – 3,3% GDP.

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay.

TS Park nhấn mạnh, rượu bia là yếu tố nguy cơ cao thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong, gây ra 79.000 tử vong năm 2016.

Loại đồ uống này cũng là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật, trong đó trực tiếp và gián tiếp gây ra 8 loại ung thư phổ biến gồm: Ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, mật và ung thư vú.

Tuy nhiên đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu bia còn nhiều khoảng trống trong khi 166 quốc gia trên thế giới đã có hàng rào pháp luật để kiểm soát loại đồ uống này.

Tại Việt Nam, các quy định hiện hành mới chỉ cấm quảng cáo rượu vang và rượu với độ cồn từ 15% trở lên; chưa có quy định về quảng cáo, tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp rượu bia.

Do đó trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, đã thêm quy định cấm uống rượu bia với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, học sinh, sinh viên ngay trước và trong thời gian làm việc; thời gian nghỉ giữa ca.

Dự thảo luật cũng nêu quy định không được dùng rượu, bia dưới 15 độ cồn làm giải thưởng, khuyến mại, đồng thời cũng có quy định siết chặt quảng cáo với các loại bia dưới 5,5 độ cồn, trong đó không được quảng cáo trong khung giờ vàng từ 18-21h hàng ngày hoặc ngay trước, sau các chương trình cho trẻ em; ngoài hình ảnh quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia.

Dự kiến vào tháng 5 tới, Quốc Hội sẽ tiếp tục cho ý kiến lần 2 về dự thảo luật này.

Thúy Hạnh

4 dấu hiệu sau khi uống rượu chứng tỏ gan đang tổn thương nghiêm trọng

4 dấu hiệu sau khi uống rượu chứng tỏ gan đang tổn thương nghiêm trọng

Những tổn thương trên gan thường xuất hiện một cách âm thầm và ngẫu nhiên mà không báo trước. Tuy nhiên, khi bạn say rượu bia, nếu có những biểu hiện này rất có thể là dấu hiệu suy gan đang tới gần.