Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Bắc Giang và Bắc Ninh, số ca bệnh được nhận định chưa có dấu hiệu chững lại, cơ bản đều trong các khu vực đã được cách ly, phong toả. Tới đây, hai tỉnh này sẽ tiếp tục có ca lây nhiễm, thêm thời gian nữa mới kiểm soát tốt được tình hình.

Bộ trưởng nhấn mạnh, như đã dự báo trước đó, đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức phức tạp, có những dấu hiệu khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.

Dịch bệnh lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố, hiện cơ bản được các tỉnh kiểm soát. Tuy nhiên, riêng Bắc Giang, Bắc Ninh có xu hướng diễn biến rất phức tạp do xuất hiện hình thái lây nhiễm trong khu công nghiệp. Ngoài ra, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây lan, phát tán rộng, khiến số lượng ca nhiễm tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh: Trần Minh

Được biết, Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch ở tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Theo GS. Long, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế thay đổi về cả vấn đề cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Cụ thể, về cách ly, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong khu vực đông người, đặc biệt là tại nhà trọ công nhân, giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện giãn cách, cách ly công nhân trong sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trong cách thức xét nghiệm, trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian). Hiện nay, chúng ta áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1. Điều này giúp sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, trên quan điểm "thà nhầm còn hơn bỏ sót".

Thực tế, Bắc Giang đã bắt đầu triển khai phương pháp test kháng nguyên nhanh, cho kết quả ban đầu rất khả quan. Lượng mẫu xét nghiệm ở tỉnh này tăng gấp 2,5 lần so với Đà Nẵng hồi tháng 7-8/2020.

Bộ trưởng cho biết thêm, ngành Y tế cũng tiến tới tập huấn cho công nhân tự lấy mẫu, xét nghiệm để bảo vệ các nhà máy khi quay lại sản xuất, đảm bảo an toàn trong điều kiện làm việc bình thường.

Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở. "Đây là vấn đề chúng tôi đã lường trước, khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 thì sẽ có nhiều bệnh nhân nặng. Bắc Giang đã hình thành các đơn vị ICU như vậy. Việc chữa bệnh ngay tại tuyến cơ sở đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bộ Y tế cũng tăng cường hỗ trợ bằng cách huy động lực lượng lớn cán bộ chuyên môn y tế của các trường Đại học, cao đẳng, Học viện y khoa, các bệnh viện trên cả nước tập trung cho Bắc Giang, Bắc Ninh. Quan điểm của Bộ là kiểm soát tốt tình hình dịch ở hai tỉnh này tức cơ bản kiểm soát dịch trên toàn quốc.

Liên quan đến chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vắc xin về hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân.

"Những điều chỉnh, thay đổi này để phù hợp thực tiễn, trên mục tiêu lớn nhất mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là kiểm soát tốt tình hình dịch ở hai địa phương này", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Hải Nam

Bộ Y tế chuẩn bị lập thêm 3 Bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang

Bộ Y tế chuẩn bị lập thêm 3 Bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang

Các bệnh viện được thiết lập nhằm thu dung bệnh nhân Covid-19, đáp ứng kịch bản số lượng ca mắc gia tăng.