Bên lề lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ nhiệm bộ môn chia sẻ, trong 4 thập kỷ qua, điều trị ung thư tại Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, nhiều kĩ thuật hiện tương đương thế giới.

2 tiến bộ mới nhất là điều trị đích và điều trị miễn dịch. Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tái phát di căn tại tuyến trung ương đều được sử dụng thuốc nhắm trúng đích, hiện BHYT hỗ trợ chi trả 50%.

Các số liệu theo dõi cho thấy, các bệnh nhân ung thư phổi, gan, buồng trứng, vú, đại trực tràng, thận, khoang miệng… khi sử dụng thuốc điều trị đích đều tăng thời gian sống thêm. Với ung thư phổi, khi dùng thuốc Tyrokinase thế hệ thứ 3 có thể kéo dài thời gian sống thêm gần 39 tháng (hơn 3 năm) so với trước.

{keywords}

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K

Với liệu pháp miễn dịch, đây chính là xu hướng điều trị ung thư trong tương lai. Tại Việt Nam đang triển khai 2 phương pháp.

Thứ nhất, dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch để tháo bỏ những “chốt” do tế bào ung thư tạo ra nhằm kìm hãm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, chi phí dùng thuốc đắt, tỉ lệ bệnh nhân đáp ứng thấp và chỉ tháo được 15-20% “chốt”, không phải tất cả.

Tại Bệnh viện K, một số bệnh nhân tự bỏ tiền điều trị liệu pháp này với chi phí khoảng 120 triệu mỗi tháng, một số trường hợp khác được các hãng dược lớn hỗ trợ.

Phương pháp thứ hai, dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết tế bào miễn dịch lympho T, sau đó nhân lên rồi truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường sức để kháng để “đánh bại” tế bào ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm.

Tại Việt Nam, phương pháp truyền tế bào miễn dịch được GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội cùng cộng sự tiếp nhận chuyển giao từ Nhật Bản.

Thầy của GS Văn là GS Tasuku Honjo, Đại học Kyoto, Nhật Bản là một trong 2 nhà khoa học nhận giải Nobel Y học năm 2018 khi nghiên cứu ra liệu pháp điều trị ung thư mới kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư.

3 năm qua, Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với nhiều bệnh viện, thử nghiệm lâm sàng trên gần 60 bệnh nhân ung thư phổi, gan, đại tràng, dạ dày, vú… và hiện đang bước vào giai đoạn cuối.

Hiện tại đã có 43 bệnh nhân kết thúc liệu trình điều trị, thời gian theo dõi điều trị trung bình từ 16-17 tháng, bệnh nhân lâu nhất là hơn 2 năm. Kết quả cho thấy, tỉ lệ sống sau 17 tháng đạt trên 71%. Các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi… cũng giảm rõ.

Phương pháp truyền miễn dịch áp dụng tối ưu với các bệnh nhân ung thư sau cắt khối u. Chi phí khoảng 300 triệu/liệu trình.

Mỗi bệnh nhân sẽ được lấy 10-15ml máu tách lấy tế bào miễn dịch (khoảng 3 - 4 triệu tế bào). Số tế bào này sau đó được đưa vào nuôi cấy trong môi trường đặc biệt và biệt hoá, khi lượng đạt 5-10 tỉ tế bào sẽ truyền lại cho bệnh nhân.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, các tiến bộ trong phẫu thuật, xạ trị ung thư tại Việt Nam cũng tiến những bước rất dài với kĩ thuật phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, cắt hớt niêm mạc, phẫu thuật robot, phẫu thuật bảo tồn, tạo hình.

Trong lĩnh vực xạ trị, Việt Nam có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như: Xạ trị theo hình khối u; xạ trị điều biến liều; xạ trị hướng dẫn ảnh, xạ trị điều biến theo thể tích hình cung; xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở Gamma knife…

Dù vậy, điều trị ung thư tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn. PGS Quảng cho biết, riêng ung thư phổi, ung thư gan, có tới trên 75% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn.

Thúy Hạnh

Nước chanh chữa ung thư, mạnh hơn hoá trị 10.000 lần?

Nước chanh chữa ung thư, mạnh hơn hoá trị 10.000 lần?

Nhiều bệnh nhân ung thư uống nước chanh nóng không đường hàng ngày để diệt tế bào ung thư vì tin có chất chống ung thư mạnh hơn hoá trị 10.000 lần.