Tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải là điều kiện an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động

Tối 6/9, chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" phát sóng trực tiếp số đặc biệt với sự tham gia đối thoại của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Trong chương trình, một người dân tên Phương Lê chia sẻ tâm tư: “Chúng tôi cần vắc xin mũi 2, mong muốn thành phố tiêm mũi 2 càng nhanh càng tốt. Bởi tôi nghe nói người đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 sẽ rất thuận lợi, sẽ được đi làm”. Nhiều người khác thì băn khoăn về thông tin TP.HCM gặp khó khăn trong việc tiếp tục tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19.

Trả lời các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, từ nay tới ngày 15/9, thành phố cố gắng tiêm mũi 1 cho trên 90% người dân từ 18 tuổi trở lên. Riêng về mũi 2, TP.HCM đã bàn với Bộ Y tế để những người tới thời gian tiêm sẽ được đảm bảo nguồn vắc xin.

“Như vậy đến cuối tháng 9, chúng ta cơ bản tiêm xong mũi 1 và người dân tới thời hạn tiêm mũi 2 sẽ có vắc xin để tiêm. Vì thế, bà con không nên quá lo lắng, băn khoăn”, ông Mãi nói.

Tuy nhiên, ông Mãi cũng nhấn mạnh, TP.HCM đang là địa phương có dịch nên mọi sinh hoạt, sản xuất cũng phải diễn ra trong điều kiện an toàn. Việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin không phải là điều kiện duy nhất và an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động.

“Được tiêm vắc xin tức đã có kháng thể, nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ nhiễm virus. Bởi vậy, người dân vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt là sử dụng khẩu trang, không tụ tập đông người và tránh tiếp xúc gần để hạn chế thấp nhất nguy cơ cho sức khỏe”, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.

TP.HCM là địa phương được Trung ương ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin Covid-19, tỷ lệ tiêm đạt ở mức cao. Đến nay, thành phố đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 82% người dân từ 18 tuổi trở lên, tương ứng trên 6,3 triệu người. Ngoài ra, hơn 500.000 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, nguồn vắc xin thành phố đã nhận đủ để triển khai tiêm mũi 1 cho hơn 90% dân số trên 18 tuổi. Bà con chưa tiêm có thể liên hệ với địa phương nơi đang cư trú để được sắp xếp lịch tiêm chủng.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", phát sóng trực tiếp tối 6/9

Về câu hỏi khác trong chương trình, cùng liên quan tới vấn đề vắc xin: “Tôi cần thành phố khẳng định lại về chủ trương tiêm vắc xin là tự nguyện”, ông Phan Văn Mãi thông tin, thành phố luôn nhất quán với quan điểm việc tiêm vắc xin là tự nguyện và minh bạch.

“Trong các tài liệu truyền thông, cơ quan chuyên môn đều nói rõ, tiêm vắc xin là để có kháng thể, giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong nếu chúng ta nhiễm virus SARS-CoV-2. Mỗi người sau khi ý thức được việc đó có thể tự nguyện quyết định việc nên tiêm hay không”, ông nói.

Chính sách cho lực lượng tuyến đầu

Một người dân tên Dương Thị Năm tâm sự trong chương trình: “Tôi có con trai đang làm bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức. Tôi không biết dịch còn đến khi nào, con tôi đi biền biệt mấy tháng rồi, tôi ở nhà không yên tâm. Tôi lo cho sự an toàn của con, rất mong dịch sớm kết thúc”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với tâm tư của người mẹ. Ông cho biết trong đợt dịch này, TP.HCM có trên 130.000 người thuộc lực lượng tuyến đầu đang trực tiếp tham gia phòng chống dịch. Thành phố cũng đón nhận các lực lượng từ tỉnh thành khác đến hỗ trợ với khoảng 30.000 người.

Như vậy, địa phương đang có tổng số trên 160.000 người trực tiếp “chiến đấu” ở tuyến đầu. Bên cạnh đó là rất đông cán bộ ở cơ sở, xã phường thị trấn, khu phố, các ấp, tổ cũng ngày đêm “lăn lộn” vất vả với hoạt động phòng chống dịch.

Trong số đó, có những người bị phơi nhiễm, trở thành F0. Cũng có những người đã mãi mãi ra đi trong cuộc chiến này.

“Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch ở thành phố, lực lượng tăng cường cũng như rất trân trọng sự hy sinh, vất vả của các cán bộ cơ sở. Hy vọng khi tất cả chúng ta cùng nỗ lực, dịch sẽ sớm được kiểm soát để mọi người đều được đoàn tụ với gia đình. Là lãnh đạo thành phố, chúng tôi rất mong muốn việc này sớm được diễn ra”, ông Mãi chia sẻ.

Ông cho biết hiện ngân sách của thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp, gián tiếp tham gia phòng chống dịch với nhiều chi phí khác nhau. Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động xã hội hóa để có thêm sự hỗ trợ tới các lực lượng.

Nguyễn Liên

TP.HCM dùng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna

TP.HCM dùng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi 1 vắc xin Moderna

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, hiện đã hết vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm vắc mũi 1 vắc xin này, vì vậy, TP dùng vắc xin Pfizer để thay thế.