Xem video:

Chiều tối 25/9, Bộ Y tế chính thức khánh thành hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa chỉ trong 45 ngày, về đích trước 15 ngày so với mục tiêu ban đầu.

Mở rộng kết nối khám từ xa với quốc tế

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc kết nối hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng, là bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo tích cực để triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đề án khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa hết sức nhân văn

Thủ tướng đánh giá, khám chữa bệnh từ xa là đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trên mọi miền của tổ quốc, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Sự kiện này có ý nghĩa hơn nữa khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm trên thế giới, giúp người dân phòng tránh bệnh.

Thủ tướng cho biết, đến nay Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ 2 khống chế thành công dịch Covid-19 bằng tất cả các giải pháp quyết liệt với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Trong cuộc chiến này, đã có nhiều tấm gương sáng trong ở các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành y tế nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã quên mình phục vụ người bệnh, không quản nguy hiểm, khó khăn, cùng với đó là nhiều mô hình, cách làm phòng chống dịch hay, hiệu quả được đề xuất và triển khai trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa.

Thủ tướng mong các thầy thuốc, các y bác sĩ tiếp tục cụ thể hóa quan điểm chủ đạo của đề án là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, góp phần lan tỏa kiến thức chuyên môn của tuyến trên cho tuyến dưới nhằm phục vụ, chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho mọi người dân.

Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới ngành y tế cần mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối với quốc tế.

"Tôi rất vui khi biết “đường bay” khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm của các bác sĩ có trình độ cao. Tôi tin trong tương lai người dân sẽ không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đề án khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục lan toả và bền vững, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế liên tục tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm qua các buổi hội chẩn từ xa. Đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Y tế phối hợp cùng các đơn vị công nghệ thông tin đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, quản trị y tế thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; phối hợp xây dựng và hoàn thành hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

{keywords}

Các bệnh viện thực hiện hội chẩn trực tuyến kết nối với điểm cầu tại lễ khánh thành

“Tôi đề nghị các thầy thuốc phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn, triển khai tích cực chương trình khám chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở để phục vụ người dân ngày một tốt hơn xứng đáng với niềm tin của nhân dân”, Thủ tướng nói.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng đã trực tiếp trò chuyện với các điểm cầu đang hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Đà Nẵng…

Thủ tướng gửi lời chúc mừng toàn bộ ekíp các bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ tim tại Đà Nẵng. Theo Thủ tướng, đây là điều “chưa bao giờ nghĩ đến cách đây 1 năm”, là tiến bộ rất quan trọng, giúp người dân giảm chi phí khám chữa bệnh.

Qua các điểm cầu, người đứng đầu Chính phủ gửi lời hỏi thăm tới tất cả nhân viên y tế cả nước, lực lượng có nhiều thành tích trong phòng chống Covid-19, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Gần 300 ca bệnh khó được cứu sống qua telehealth

GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, chỉ trong thời gian chưa tới 2 tháng, đề án khám chữa bệnh từ xa đã đạt mốc hơn 1.000 điểm, giúp tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn liên tục.

Trước đó Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành đề án chỉ trong 1 tuần. Việc hoàn thành đề án phức tạp trong thời gian ngắn thể hiện quyết tâm của Bộ Y tế với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

“Đề án không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế. Đây còn là hoạt động giúp người dân tuyến dưới được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện”, ông Long nhấn mạnh.

{keywords}

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

 

Theo đánh giá, nền tảng này tương đương các nước phát triển, thậm chí có nhiều điểm ưu việt hơn cho phép các bác sĩ tuyến dưới tiếp cận công nghệ nhanh hơn. Giải pháp này được may đo theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ bác sĩ và người dân.

Đến nay đã có 27 bệnh viện tuyến trung ương tham gia đề án, cứu sống gần 300 ca bệnh khó, trong đó buổi hội chẩn nhiều nhất có trên 300 điểm cầu. Bộ Y tế cũng đã xây dựng được hơn 10.000 danh mục khám chữa bệnh từ xa của các chuyên khoa.

Trước đó, Bộ Y tế đã có đề án bệnh viện vệ tinh giúp giảm quá tải một phần, tuy nhiên những ca bệnh nặng từ tuyến dưới vẫn phải chuyển lên tuyến trên hoặc bác sĩ tuyến trên phải trực tiếp về tuyến dưới. Khi có telehealth, bác sĩ tuyến huyện cũng có thể tự xử lý được các ca bệnh khó và bác sĩ tuyến trên không phải vượt quãng đường hàng trăm km.

Cũng nhờ telehealth, hiện nay 1 bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ chuyên môn, đào tạo cùng lúc cho nhiều bệnh viện tuyến dưới, trong khi trước đây chỉ có thể hỗ trợ 1-1.

Với thành công giai đoạn 1, sắp tới đề án sẽ triển khai mở rộng khám chữa bệnh từ xa đến 14.000 điểm trên toàn Việt Nam. Với tiến độ như vừa qua, Bộ Y tế tin tưởng mục tiêu này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian ngắn.

Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết thêm, trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Về vướng mắc lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý trong khám chữa bệnh từ xa, GS Long cho biết, Bộ đang phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ tài chính xây dựng cơ sở tài chính để duy trì hệ thống lâu dài trong thời gian tới.

Sắp tới khi 5G phổ cập tại Việt Nam, Bộ Y tế tin tưởng hệ thống telehealth sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, khi đó các bác sĩ khắp thế giới có thể tham gia điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam.

Thúy Hạnh

1 bác sĩ trung ương ‘kèm cặp’ từ xa 10 thầy thuốc tuyến dưới

1 bác sĩ trung ương ‘kèm cặp’ từ xa 10 thầy thuốc tuyến dưới

Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Bộ Y tế yêu cầu 1 bác sĩ tuyến trung ương sẽ phải hỗ trợ cho ít nhất 10 thầy thuốc tuyến dưới.