Hiện tại, 16 tỉnh đã ra quyết định cách ly tập trung, cách ly tại nhà với người dân về từ 10 địa phương có dịch, tuy nhiên quy định mỗi nơi một khác khiến người dân lúng túng.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Thủ tướng ủy quyền cho các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế. Do đó, quyết định có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch Covid-19 hay không theo thẩm quyền của lãnh đạo các địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đã nhận được phản ánh của một số địa phương, người dân, báo chí về tình trạng mỗi địa phương ra quy định một kiểu. Ông đánh giá, quy định các địa phương chưa đồng nhất vì hiểu chưa đúng về ổ dịch, vùng dịch.

{keywords}

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên 

“Một số địa phương chưa hình dung hết, chưa hiểu đầy đủ thế nào là ổ dịch, vùng dịch, thế nào là địa phương có dịch, chưa hiểu rằng ổ dịch phải được phong toả, khoanh vùng”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng giải thích, khu vực có ổ dịch tại một địa phương là nơi được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khoanh vùng, phong toả. Tại khu vực này, tất cả đối tượng F1 phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà.

Những trường hợp khác phải giám sát, sàng lọc. Các đối tượng này có được ra khỏi khu phong toả, khoanh vùng hay không do thẩm quyền địa phương đó quyết định.

“Nếu tỉnh A cho những đối tượng ngoài F1, F2 tại ổ dịch được đến địa phương khác thì khi đến địa phương nào phải khai báo, tổ chức, theo dõi, giám sát tại nơi cư trú giống như các trường hợp F2 tại khu vực phong toả của địa phương A”, Thứ trưởng nói.

Còn lại tất cả những người dân không thuộc ổ dịch, không nằm trong khu phong toả, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Ông Tuyên dẫn chứng, trong một phường có nhiều đường phố, phố nào có ca bệnh dương tính thì được coi là ổ dịch và được khoanh vùng. Những phố khác trong phường đó không có ca bệnh, không phải ổ dịch.

Hà Nội cũng chưa được coi là địa phương có dịch. Các cơ quan chuyên môn đang rà soát kĩ để trình lãnh đạo quyết định xem khu vực nào có dịch, khu nào không.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, nhiều địa phương đang hiểu sai khái niệm F1, F2. Trong đó F1 phải có tiếp xúc gần với ca dương tính trong bán dưới 2m, tương tự F2 phải có tiếp xúc gần với F1 dưới 2m.

“Do một số địa phương trong quá trình làm chưa hình dung hết nên Bộ Y tế đã giao Cục Y tế Dự phòng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để các tỉnh thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Văn bản này sẽ được ban hành trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Tuyên thông tin.

Đồng quan điểm, TS Đặng Quang Tuấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiều địa phương không có ca bệnh đang ra những quy định rất chặt để kiểm soát người về từ 10 địa phương có dịch là chưa cần thiết.

Ông Tấn đề nghị với 10 địa phương đang có ca bệnh, cần rà soát, có thông báo chi tiết từng khu vực có ổ dịch phải phong toả. Những trường nào từ đây về các địa phương khác mới cần khai báo, theo dõi, xét nghiệm, các trường hợp còn lại chỉ cần theo dõi.

Thúy Hạnh