BS Lê Trung Hiếu, khoa Phẫu thuật Gan Mật tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới đây trực tiếp phẫu thuật cho trường hợp nam thanh niên mới 20 tuổi ở Hà Nội bị ung thư biểu mô tế bào gan.

Nam thanh niên đến viện khám vì đau tức hạ sườn phải hơn 1 tháng. Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện khối u trong gan có đường kính lên tới 15 cm, các chỉ số ung thư như AFP và PIVKA 2 đều tăng rất cao.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn 2, đã thực hiện phẫu thuật cắt 70% gan phải. Sau 6 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện.

{keywords}

Phần lá gan lỗ chỗ của nam thanh niên sau khi được cắt bỏ. Ảnh: BSCC

 

Với ung thư biểu mô tế bào gan, hầu hết đáp ứng với hoá, xạ trị rất kém, do đó bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng bằng xét nghiệm chỉ số AFP, siêu âm, chụp CT…

Sau theo dõi, nếu khối u tái phát tại chỗ, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật tiếp hoặc chỉ định ghép gan. Trường hợp không thể phẫu thuật sẽ xét đến các chỉ định như nút mạch, dùng thuốc nhắm trúng đích.

Theo BS Hiếu, nam thanh niên bị viêm gan B nhưng không hề hay biết do chưa từng đi xét nghiệm máu cũng như khám sức khoẻ nên chưa từng điều trị.

May mắn, dù khối ung thư lớn nhưng chưa di căn. Trường hợp có di căn sẽ không thể phẫu thuật, bệnh nhân chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.

“Các thống kê cho thấy, có tới 60-70% bệnh nhân ung thư gan bị viêm gan B. Khi mắc viêm gan B, nếu không điều trị sau 15-20 năm sẽ tiến triển thành xơ gan rồi ung thư gan. Bệnh nhân càng trẻ, độ ác tính càng cao, tiến triển càng nhanh.

Tại Việt Nam, ung thư gan đã vươn lên vị trí số 1 về số ca mắc với trên 25.000 ca mắc mới mỗi năm (chiếm 15,4%), kế đó là ung thư phổi (14,4%), ung thư dạ dày (10,6%)…

Tỉ lệ mắc ung thư gan của Việt Nam đang xếp thứ 4 thế giới, trung bình cứ 100.000 người dân có hơn 23 người mắc bệnh.

Nguyên nhân do người dân phát hiện bệnh quá muộn, 60% phát triện ở giai đoạn trung gian và tiến triển. Lúc này việc điều trị vô cùng khó khăn, tỉ lệ có thể kéo dài tuổi thọ là vô cùng thấp, thời gian sống trung bình không quá một năm.

“Trong khi đó, ung thư gan có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...”, BS Hiếu chia sẻ.

Để phát hiện sớm ung thư gan, BS Hiếu khuyến cáo người dân, đặc biệt những người có nguy cơ cao mắc bệnh cần thực hiện tầm soát ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Ở giai đoạn sớm bác sĩ có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và không để lại di chứng. Phẫu thuật ở giai đoạn này giúp ngăn chặn khối u di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể.

{keywords}

Theo số liệu WHO 2018, Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tỉ lệ mắc mới ung thư gan (màu vàng)

Việc phát hiện sớm và điều trị cũng giúp cho bệnh nhân không phải chịu những thương tổn về thể chất hay tâm lý, chi phí rẻ.

Do đó việc tầm soát ung thư gan sớm là điều nên làm với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ai nên tầm soát ung thư gan sớm?

BS Hiếu cho biết có 2 nhóm đối tượng có khả năng mắc ung thư gan cao, theo thứ tự:

Nhóm 1: Đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan:

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan.

- Nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát. Tiến triển của viêm gan B rất âm thầm, khó nhận biết.

- Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác: như ĐTĐ typ 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,....

- Gan nhiễm mỡ không do rượu.

Nhóm 2: Mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan

- Các bệnh béo phì, tiểu đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.

- Xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều.

- Ngoài ra còn những nguyên nhân tự phát mà khoa học chưa thể nghiên cứu và giải thích.

Khi có những biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám thường xuyên để nhận được lời khuyên của bác sĩ.

Các phương pháp tầm soát ung thư gan

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến, bao gồm:

Xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP trong máu

AFP là một loại protein có trong thai nhi tuy nhiên sau khi trưởng thành thì tỉ lệ AFP trong máu rất thấp. Bệnh nhân mắc ung thư gan thì chỉ số AFP tăng lên bất thường. Tuy nhiên khi xét nghiệm bước đầu mà chỉ số AFP tăng, không có nghĩa là bạn mắc bệnh ung thư.

Việc chỉ số AFP tăng là biểu hiện nghi ngờ ung thư gan, bạn nên thực hiện các phương pháp tầm soát khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để kết luận chắc chắn hơn tình trạng bệnh của mình.

Trong giai đoạn điều trị ung thư gan, chỉ số AFP có tác dụng theo dõi tiến trình chữa bệnh, kiểm tra khả năng di căn của khối u.

Phương pháp siêu âm gan

Siêu âm gan có thể phát hiện được khối u nhỏ hơn 1 cm với chi phí tiết kiệm và không ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra siêu âm gan còn giúp phát hiện xơ gan và một số bệnh khác về gan.

Dựa vào hình ảnh của siêu âm gan ta có thể xác định được các thương tổn của gan. Kết hợp siêu âm gan với xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP sẽ cho ra kết quả chẩn đoán chính xác hơn việc thực hiện riêng lẻ từng phương pháp.

Thúy Hạnh

Những biến đổi trên tay, chân cảnh báo bệnh ung thư gan

Những biến đổi trên tay, chân cảnh báo bệnh ung thư gan

Chuyên gia tiết lộ cách nhận biết và phòng ngừa các bệnh về gan đặc biệt là ung thư qua 3 triệu chứng xuất hiện ở tay, chân.