Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 22/3, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19.

Trong đó vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen đang thử nghiệm giai đoạn 2.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 cho thấy, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.

Giai đoạn 2 mới đi được nửa chặng đường nhưng có nhiều triển vọng rất lạc quan. Dự kiến cuối tháng 4, nhóm nghiên cứu sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Dự kiến đầu tháng 5 tới, vắc xin Nanocovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu thuận lợi, cuối tháng 3 sẽ hoàn thành thử nghiệm, rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều nay. Ảnh: Đình Nam

Đối với vắc xin Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 trên 6 tình nguyện viên, nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vắc xin này rất rẻ.

Từ kinh nghiệm thử nghiệm Nanocovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vắc xin Covivac sẽ nhanh hơn.

Với vắc xin của Vabiotech, dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác nên chậm hơn nhưng đến nay các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan, và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4 tới.

Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ông Quang nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin của Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.

Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới.

{keywords}

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nanocovax. Ảnh: Thúy Hạnh

Sắp tới, WHO sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vắc xin trên nguyên tắc so sánh với các vắc xin đã được cấp phép để sử dụng chính thức.

Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 của Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với vắc xin AstraZeneca đang tiêm trong nước.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin.

“Hy vọng vào cuối quý 3 tới, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch Covid-19”, ông Quang tin tưởng.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa các đơn vị khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin thời gian qua đã rất nỗ lực, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhưng cần tiếp tục khẩn trương hơn nữa.

Theo Phó Thủ tướng, dân số Việt Nam gần 100 triệu người, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi trong khi vắc xin phải tiêm nhắc lại, vì vậy phải bằng các giải pháp có vắc xin của Việt Nam.

“Điều này không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát triển thành công vắc xin trong nước cũng khẳng định năng lực, uy tín, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế là luôn khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực nhập khẩu vắc xin ngừa Covid-19, phục vụ tiêm chủng diện rộng cho người dân theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính Phủ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần có văn bản gửi Bộ Y tế để đảm bảo về hiệu quả, chất lượng và giá cả của vắc xin. Hiện nay, các hãng dược sản xuất vắc xin Covid-19 lớn trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.

Thúy Hạnh

Tỉ lệ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin AstraZeneca của Việt Nam có cao hơn các nước?

Tỉ lệ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin AstraZeneca của Việt Nam có cao hơn các nước?

GS Đặng Đức Anh cho biết, tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn.