Sáng nay, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, BV vừa cứu sống cùng lúc 2 bệnh nhân từ lá gan của người cho chết não. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kĩ thuật chia gan để ghép – kĩ thuật rất khó trong ngành ghép tạng với nhiều rủi ro.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, GĐ Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức thông tin thêm, ngày 7/3, Trung tâm Gây mê hồi sức báo cáo có 1 ca chết não do tai nạn giao thông là nam thanh niên 30 tuổi ở Hà Nội. Gia đình nam thanh niên đã đồng ý hiến tặng toàn bộ mô tạng cho y học.

{keywords}
Phần gan nhỏ được ghép cho bệnh nhi 8 tuổi 


Sau hội chẩn, các bác sĩ Việt Đức dự định ghép gan cho 1 nam bệnh nhân 49 tuổi ở Hà Nội và ghép tim, 2 thận cho 3 bệnh nhân khác. Trong đó, bệnh nhân ghép gan có tiền sử xơ gan do viêm gan B, 2 tháng trước phát hiện ung thư gan.

Trong lúc đang chuẩn bị các thủ tục để ghép gan cho nam bệnh nhân nói trên, các chuyên gia BV Việt Đức được cuộc gọi mời sang BV Nhi TƯ hội chẩn cho trường hợp bé gái 8 tuổi ở Hà Nội bị hôn mê gan do xơ gan mất bù, kết hợp rối loạn chuyển hoá đồng (Wilson) và teo đường mật bẩm sinh. Đây là sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng, cần ghép gan cấp cứu.

Đáng lưu ý, thể trạng của bé gái cũng rất yếu, nặng hơn 19 kg, da vàng đậm, rối loạn đông máu rất nặng, chỉ số PELD trong gan lên tới 52 điểm, trong khi ở mức 40 đã có nguy cơ tử vong lên tới 90%.

{keywords}
Bé gái đã hồi phục tốt sau ghép


Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, các bác sĩ quyết định chia gan của người hiến thành 2 phần, phần nhỏ, trọng lượng khoảng 250g để ghép cho bệnh nhi, phần còn lại nặng 900g ghép cho bệnh nhân nam 49 tuổi.

7h30 ngày 9/3, BV Việt Đức chia cùng lúc 6 ekip trên 6 bàn mổ. Ekip đầu tiên lấy tạng từ người cho chết não, 11h bắt đầu chia gan ngoài cơ thể.

Ca ghép gan cho bệnh nhân người lớn bắt đầu lúc 15h, kết thúc lúc 20h cùng ngày. Trong khi đó, ca ghép gan cho bé gái kéo dài gần 9 tiếng do các mạch máu nhỏ, phải sử dụng kĩ thuật vi phẫu.

Sau ghép 6 ngày, hiện bệnh nhân người lớn đã tỉnh táo hoàn toàn, chức năng gan hồi phục, trong hôm nay sẽ rời phòng hồi sức tích cực. Với bệnh nhi còn lại, dự kiến cũng sẽ được rời phòng hồi sức trong 1-2 ngày tới, hiện chức năng gan đã hồi phục, không còn tình trạng rối loạn đông máu, mật từ gan tiết ra tốt. 

{keywords}
Hôm nay, nam bệnh nhân 49 tuổi được rời phòng hồi sức tích cực


Cùng khoảng thời gian trên, 3 ekip cũng cùng lúc thực hiện ghép tim, 2 thận. Hiện cả 3 bệnh nhân cũng đã ổn định.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, BV Nhi TƯ cho biết, thành công của kĩ thuật chia gan ghép sẽ mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi bị teo mật. Hiện tại, mỗi năm BV Nhi TƯ phẫu thuật cho 70-80 ca teo mật bẩm sinh, nhưng khi trưởng thành, hơn 1/2 số này sẽ phải ghép gan. Trước đây, cách duy nhất là lấy gan từ người cho sống.

Theo GS Giang, kĩ thuật chia gan ghép được thực hiện lần đầu từ những năm 90 thế kỉ trước, tuy nhiên chỉ thực sự phát triển từ những năm 2000.

Tuy nhiên, đây là kĩ thuật rất khó, cùng lúc phải có 3 kíp phẫu thuật. Ngay tại Mỹ, quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới, số ca chia gan để ghép chỉ chiếm 1%, tương đương 100 ca. Tại Châu Âu, giờ cũng ít thực hiện kĩ thuật này do số lượng người hiến gan từ người cho chết não hiếm, kĩ thuật khó và nhiều rủi ro.

Thúy Hạnh

Vợ chàng trai 29 tuổi 'gặp lại' quả tim của chồng trong lồng ngực người khác

Vợ chàng trai 29 tuổi 'gặp lại' quả tim của chồng trong lồng ngực người khác

Nhìn thấy người đàn ông 52 tuổi khoẻ mạnh, mang trong lồng ngực trái tim của chồng mình, chị Hằng xúc động không nói nên lời.