Hơn 14 triệu người Việt bị rối loạn stress cần điều trị

TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan Stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, càng ngày, số lượng bệnh nhân bị các rối loạn liên quan đến stress càng nhiều do môi trường sống, công việc, học tập ngày càng áp lực.

Tổ chức Y tế thế giới WHO phân loại 9 mã bệnh liên quan đến stress, bao gồm từ F40-F48 như rối loạn lo âu ám ảnh sợ, lo âu lan toả, rối loạn ám ảnh nghi thức, rối loạn thích ứng, rối loạn phân ly, rối loạn dạng cơ thể...

Theo các nghiên cứu, khoảng 15% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến stress, tương đương trên 14 triệu người.

{keywords}
TS Dương Minh Tâm. Ảnh: Thúy Hạnh


Tuy nhiên hầu hết người bệnh đều không nhận biết mình đã bị bệnh, thêm nữa sợ kì thị, bị hiểu nhầm là bệnh tâm thần nên hầu hết người bệnh bị các rối loạn nói trên thường đến BV ở giai đoạn muộn.

Theo TS Tâm, stress chia thành 2 loại: Stress cấp tính thường do các biến cố đột ngột và stress kéo dài với các tình huống lặp đi lặp lại thường xuyên (chiếm phổ biến) nhưng ít người nhận ra.

Stress rất khó tránh trong cuộc sống, tuy nhiên để diễn tiến thành rối loạn phải vào bệnh viện điều trị, tuỳ thuộc vào sự chống đỡ của từng cá thể, được quy định bởi tính cách riêng, quan điểm riêng, cách giải toả stress của mỗi người. Ai càng chống đỡ tốt thì càng khó bị các bệnh liên quan đến stress.

Theo đó, một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Ngay trường hợp bị bệnh, người có nhân cách mạnh cũng dễ khỏi bệnh.

Trong khi đó, nếu một người nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi li, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, nếu mắc bệnh sẽ chậm hồi phục.

Vừa lấy vợ đã stress phải nhập viện

TS Tâm cho hay, rất nhiều người bị bệnh nhưng không nghĩ mình bị bệnh, do nguyên nhân bắt nguồn từ những việc rất đơn giản.

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân Nguyễn Tiến Thành, 28 tuổi. Sau khi học hết lớp 10, Thành nghỉ học đi học lái xe, sau đó làm tài xế lái xe đã 4 năm nay. Công việc ổn định, không quá vất vả, không căng thẳng. Tuy nhiên anh chàng là người có tính cách cầu toàn, hay lo nghĩ.

Bệnh nhân chia sẻ, suốt 6 tháng nay, bệnh nhân gặp nhiều căng thẳng do phải lo tổ chức đám cưới, lo không đủ tiền, lo tổ chức không chỉn chu, lo sau cưới có hợp nhau không, có đủ tiền không... 

{keywords}
Những người có khả năng chống đỡ stress yếu dễ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn stress, phải nhập viện điều trị 

 

Chưa hết, bệnh nhân hay lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình, như lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường.

Mặc dù đám cưới đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man nhiều chủ đề. Theo thời gian, lo lắng tăng thêm dần khiến bệnh nhân từ ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình đến mất ngủ.

Bệnh nhân cho biết, cứ vào chiều tối, tình trạng mệt mỏi tăng nặng thêm, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi. Thậm chí có cảm giác nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở kèm theo ăn uống kém hơn, hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon.

Thấy sức khỏe giảm sút, Thành xin nghỉ không đi làm. Bệnh nhân sau đó khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh, khám hàng loạt chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện ra điểm nào bất thường.

Sau đó bệnh nhân lên khám tại BV Bạch Mai, được chụp CT sọ não, holter điện tim, đo chức năng hô hấp nhưng cũng không phát hiện bất thường. Bệnh nhân được người quen giới thiệu đến Viện sức khỏa Tâm thần khám.

Sau khi khám xét kĩ càng, bác sĩ kết luận, nam bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan toả (mã bệnh F41), được chỉ định nhập viện điều trị.

Sau 3 tuần điều trị nội trú ổn định, nam bệnh nhân được xuất viện điều trị ngoại trú bằng thuốc để dứt bệnh. Hiện tại, bệnh nhân đã có cuộc sống vui vẻ, đi làm bình thường trở lại.

TS Tâm khuyến cáo, sau stress ai cũng có cảm xúc căng thẳng nhưng theo diễn tiến thông thường sẽ giảm nhưng những người bị bệnh, tình trạng sẽ ngày càng nặng lên theo thời gian.

Do đó, khi bất cứ ai xuất hiện những triệu chứng không thể lý giải được về mặt cơ thể như tức ngực, hồi hộp, vã mồ hôi trồi sụt theo trạng thái tinh thần... khám và chữa nhiều khoa lâm sàng không khỏi thì hãy nghĩ đến chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị sớm.

Thúy Hạnh

Mắc trầm cảm mà không biết khi có 1 trong 10 biểu hiện này

Mắc trầm cảm mà không biết khi có 1 trong 10 biểu hiện này

Những thay đổi nhỏ của cơ thể ít người để ý có thể là những dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm mà bạn đã bỏ qua.