- Dù mới đầu năm nhưng dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội đã bùng phát mạnh, mỗi ngày BV Mắt TƯ tiếp nhận 150-200 người đến khám.

BV Mắt TƯ cho biết, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9 - 10 hàng năm, nhưng năm nay do mùa đông ấm, ẩm nên số bệnh nhân đã gia tăng nhanh sau Tết.

BS Hoàng Minh Anh, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 150-200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tương đương đợt cao điểm của dịch.

{keywords}
Thời tiết ấm, ẩm tạo điều kiện cho dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh

Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, đa số là trẻ em hoặc những người có sức đề kháng kém.

BS Minh Anh khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus đau mắt đỏ sẽ phát tán rất nhanh thành dịch, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, mắc rồi vẫn có thể mắc tiếp.

Khỏi bệnh vẫn có thể lây bệnh

Bệnh đau mắt đỏ lây nhanh qua tiếp xúc với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và các vật dụng có dính nguồn lây...

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính. Tuy nhiên có không ít trường hợp chủ quan khiến bệnh kéo dài, mắt phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Đáng lưu ý mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi khỏi 1 tuần.

Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh, nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan.

Khi bị bệnh, người bệnh cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

“Khi đau mắt đỏ, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị vì có thể không đúng chủng loại, đặc biệt dùng các thuốc chứa corticoid có thể để lại biến chứng dẫn đến mất thị lực”, BS Minh Anh khuyến cáo.

Thúy Hạnh