- Lần đầu tiên Việt Nam sử dụng robot thay khớp gối, có độ chính xác  gấp 3 lần thông thường. Sau mổ 2 giờ, bệnh nhân có thể tự đi lại.

Bà Lại Thị Mai, 50 tuổi ở Hà Nội cho biết, cách đây 2 năm, bà từng thay khớp gối toàn phần tại Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, BV Bạch Mai. Tuy nhiên sau mổ, bệnh nhân vẫn thấy khó chịu khi đi lại.

Cuối tháng 2 vừa qua, khi BV có hệ thống phẫu thuật bằng robot, bà Mai là một trong 3 bệnh nhân đầu tiên của cả nước được phẫu thuật bằng hệ thống này.

“Chỉ 2 tiếng sau khi mổ tôi đã có thể tự đi lại được, cân bằng rất nhanh. Trước đây khó chịu 10 phần thì giờ chỉ 2 phần thôi”, bà Mai chia sẻ.

{keywords}
Nhờ phẫu thuật bằng robot, bệnh nhân có thể đi lại ngay 2 giờ sau mổ

TS Đoàn Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống cho biết, trước đây bệnh nhân bị hỏng nửa khớp gối vẫn phải thay cả khớp bằng phương pháp truyền thống nhưng không tối ưu.

Giờ mổ bằng robot, bác sĩ sẽ xác định được chính xác vị trí phẫu thuật nên “hỏng đâu thay đó”.

“Đây là hệ thống robot hiện đại nhất tại Mỹ hiện nay, cho phép phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, không gây tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ nên mất ít máu, ít đau, nhanh hồi phục. Đặc biệt, phẫu thuật bằng robot có độ chính xác gấp 3 lần so với thay khớp gối bằng tay, Tỉ lệ phải mổ lại do biến chứng lỏng, trật khớp rất thấp”, TS Thanh thông tin.

Ngoài ra, hệ thống này cũng đang được BV áp dụng cho những ca phẫu thuật thần kinh sọ não khó, đòi hỏi độ chính xác đến từng mm.

Hiện phía BV đang xin các cấp có thẩm quyền phê duyệt để BHYT thanh toán cho các kĩ thuật này.

80% là bệnh nhân nữ

TS Hoàng Gia Du, trưởng khoa cho biết, khớp gối là vị trí có tỉ lệ thoái hoá cao nhất, trong đó 80% là bệnh nhân nữ.

Theo TS Du, nguyên do dây chằng trước khớp gối nữ yếu hơn nam, thêm đặc thù phải làm việc nhà nhiều, ngồi xổm và đứng lên ngồi xuống nhiều lần trong ngày nên khi sụn yếu rất dễ tổn thương.

Bắt đầu từ tuổi ngoài 30, lượng xương của phụ nữ đã dần bị thoái hóa (mỗi năm giảm 0,25 - 1%). Đến thời điểm trước và sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh, tốc độ thoái hóa xương sẽ giảm nhanh hơn nữa, mỗi năm 1 - 5% khiến xương bị xốp.

Khi lão hoá, tế bào xương bị giảm công năng, hấp thụ canxi và các vitamin kém khiến cấu trúc xương xấu dần, sụn mỏng đi, dần mất tính đàn hồi gây ra các triệu chứng đau nhức.

Ban đầu bệnh nhân đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng.

Giai đoạn đầu đau âm ỉ, không liên tục, xuất hiện khi thực hiện một số động tác đặc biệt như lên xuống bậc thang, ngồi xổm, quỳ gối. Sau tăng dần và liên tục, nhiều người không thể đi lại.

Tuỳ vào tình trạng, bệnh nhân có thể được sử dụng dụng cụ điều chỉnh khớp gối, nội soi khớp gối, thay khớp gối nhân tạo…

Thúy Hạnh