Chị Phùng Thị Luyến ở Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ, từ khi sinh ra, chị đã luôn mặc cảm do bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Mỗi khi cười, chị hay phải lấy tay che miệng.

May mắn lập gia đình rồi sinh con nhưng không ngờ con trai chị cũng bị dị tật như mẹ. Chị luôn nghĩ đây là căn bệnh di truyền, không thể chữa được nên chưa từng đi thăm khám ở đâu.

“Khi con lớn hơn, cháu hay hỏi tôi tại sao con lại có hình dạng như vậy. Tôi chỉ biết nói với cháu rằng do bà mụ nặn chứ không phải bố mẹ muốn như thế. Mỗi lần con hỏi vậy, tôi thấy lòng mình đau như xát muối”, chị Luyến chia sẻ.

{keywords}

 

Mãi khi con trai 10 tuổi và chị Luyến 39 tuổi, nhờ người quen giới thiệu, chị mới đưa con lên BV Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội thăm khám.

Khi thấy 2 mẹ con cùng bị khe hở môi, bác sĩ khuyên chị cũng phẫu thuật luôn vì dị tật này hoàn toàn có thể sửa được.

“Ban đầu tôi không có ý định làm đâu, nghĩ mình già rồi, không cần làm đẹp nữa nhưng lúc sau bác sĩ khuyên mãi, nghe thấy vào tai nên tôi lại làm. Sau khi phẫu thuật, giờ tôi thấy trong người rất thoải mái, có thể cưởi tự tin, cơ thể không thấy vết sẹo nữa nên thấy vui tươi hơn rất nhiều”, chị Luyến cười tươi kể.

Với con trai chị Luyến, giờ cháu đã có thể vui chơi cùng bạn bè, hết mặc cảm khi có nụ cười bình thường như bao người khác.

Mẹ con chị Luyến chỉ là 2 trong số hơn 16.300 trường hợp bị khe hở môi – vòm miệng được phẫu thuật tại BV Việt Nam – Cu Ba trong suốt 30 năm qua.

BSCK I Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba cho biết, trung bình cứ 700 trẻ sinh ra sẽ có 1 trẻ mắc dị tật khe hở môi, tại Việt Nam còn khoảng 15.000 trẻ chưa được phẫu thuật.

Tại BV Việt Nam – Cu Ba, đều đặn hàng năm phối hợp với tổ chức Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam, tổ chức 5-6 đợt phẫu thuật miễn phí cho các trường hợp trẻ bị dị tật.

Các chuyên gia cho hay, trẻ em sinh ra với dị tật hở môi, hàm ếch có nguy cơ tử vong trước một tuổi cao gấp 2 lần so với trẻ bình thường. Không những vậy, các em còn gặp phải nhiều vấn đề khác về sức khỏe như: Nhiễm trùng tai mãn tính, suy sinh dưỡng, các vấn đề về hô hấp, răng miệng cũng như gặp khó khăn trong việc phát âm và sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài những khó khăn về sức khỏe, dị tật này tác động rất lớn đến tâm sinh lý, không ít trẻ bị xa lánh, khó hoà nhập.

Sứt môi và hở hàm ếch thường có 3 dạng: Sứt môi nhưng không bị hở hàm ếch; Hở hàm ếch nhưng không sứt môi; Sứt môi và hở hàm ếch. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên miệng.

Theo BS Thái, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật vòm miệng, trong đó có yếu tố di truyền và môi trường. Khi mang thai 3 tháng đầu nếu thai phụ bị cúm, nhiễm khuẩn, hoặc hút thuốc lá, uống rượu, thiếu axit folic, B12... thì nguy cơ con dị tật cao hơn.

Bác sĩ khuyến cáo, thời điểm phẫu thuật tốt nhất cho trẻ là khi được khoảng 6 tháng tuổi, tuỳ theo dị tật hở toàn bộ hay hở một phần.

Tuy nhiên không nên để trẻ quá lớn trên 2 tuổi mới đi phẫu thuật vì ảnh hưởng nhiều đến việc bú, ăn uống và tập nói.

Thúy Hạnh

Vừa chào đời, bé trai bị dị tật sứt môi chẽ vòm bị mẹ bỏ rơi

Vừa chào đời, bé trai bị dị tật sứt môi chẽ vòm bị mẹ bỏ rơi

 - Vừa mới sinh con trai được một ngày, người mẹ ở Quảng Nam để lại đứa con tại bệnh viện rồi bỏ đi, do bé bị sứt môi hở vòm toàn diện.