Giữa Sài Gòn rộng lớn, khu phố người Chăm theo đạo Hồi ẩn mình trong con hẻm ngoằn ngoèo số 157 Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8). Ở đây, hơn 160 hộ dân sống ôn hòa, ăn chay Halal, đi lễ 5 lần mỗi ngày ở thánh đường Jamiul Anwa.

Đến một ngày, cuộc sống bình yên của khu phố bị xáo trộn khi bệnh nhân 100 nhiễm Covid-19 là một người dân cư ngụ ở đây.  

{keywords}
Nhịp sống thường ngày trong khu phố của người Chăm theo đạo Hồi giáo trước khi cách ly 14 ngày. Ảnh: Hiếu Thảo 

Bị hiểu lầm vì quy định đồ ăn

Ngày 3/3, ông M.H. (55 tuổi, ngụ ở hẻm 157 Dương Bá Trạc) về TP. HCM sau khi đi lễ hội ở Malaysia. Lúc đó, đất nước này chưa bị xếp vào vùng dịch còn ông M.H. cũng không có triệu chứng bệnh và vẫn sinh hoạt bình thường. 

Khi trường hợp bệnh nhân Ninh Thuận dương tính Covid-19 được công bố, ông M.H. trở thành F1. Ông nằm trong danh sách 44 người đi lễ hội ở Malaysia bị đưa vào diện kiểm tra y tế khẩn cấp.

“Thật ra, tôi không đi chung chuyến bay với bệnh nhân Ninh Thuận, tôi đi hãng Air Asia còn người kia đi VietJet Air, chúng tôi không tiếp xúc nhau”, ông M.H. cho hay.

Ngày 19/3, toàn bộ hẻm 157 Dương Bá Trạc nhận lệnh cách ly 14 ngày. Gia đình ông M.H. phải vào viện cách ly vì thuộc diện nghi nhiễm cao. Sau khi xét nghiệm, ông nhận kết quả dương tính với Covid-19, được chuyển đến Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Ông có nhiều bệnh nền như tiểu đường tuýp 2, viêm khớp, cao huyết áp.

Ngoài ra, ông M.H. cũng đối mặt với khó khăn trong vấn đề ăn uống lúc trong viện. Người Hồi giáo phải ăn theo chuẩn Halal, không thể ăn thịt heo; thịt giết mổ phải theo tiêu chuẩn nhất định.

“Mỗi khi giết một con vật để làm thức ăn, người chế biến phải đọc kinh cầu nguyện, xoay lưng với hướng mặt trời”, vợ bệnh nhân chia sẻ.

Vì vậy, một vài ngày đầu, trong khu điều trị ở Cần Giờ, bệnh nhân 100 và gia đình ăn chay trường. Với chế độ ăn uống như vậy, bệnh nhân bị tiểu đường dễ bị tăng đường huyết, gây mệt mỏi. Sau đó, các bác sĩ đã chuẩn bị đồ ăn Halal cho bệnh nhân cho đến khi xuất viện.

{keywords}
Đi lễ 5 lần/ngày và ăn chuẩn Halal là nghi thức bắt buộc của người Hồi giáo. Ảnh: Hiếu Thảo

Mang tâm trạng ‘người có tội’

Sau 3 ngày xuất viện, bệnh nhân 100 vẫn mang trong mình tâm trạng như “người có tội”. Bản thân ông và gia đình nghĩ rằng chỉ vì vô tình đã làm cho cả con phố cách ly, cuộc sống đảo lộn.

Những ngày đầu, hơn 160 hộ dân bị phong tỏa gặp nhiều khó khăn trong vấn đề ăn uống. “Nhờ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Mạnh Thường Quân cung cấp đủ nước, thịt gà, trứng, rau, trái cây cho người dân. Nếu bà con khu phố không được ăn uống đàng hoàng, gia đình tôi  sẽ thấy có lỗi hơn”, ông M.H. tâm sự.

Ngồi trong căn nhà ở hẻm sâu, ông M.H. căng thẳng trước những áp lực của không ít người. Những ngày này, sạp tạp hóa nhỏ của gia đình thưa thớt khách, ông mặc cảm khi thấy ánh nhìn ái ngại của những người đi ngang qua nhà. 

Ông M.H. mong mọi người thấu hiểu bởi mỗi người theo một tín ngưỡng với những lễ nghi khác biệt. Bản thân ông và gia đình đã chấp hành cách ly khi có lệnh và chưa bao giờ gây khó khăn cho chính quyền cũng như cán bộ y tế.

"Tôi đã may mắn khỏe mạnh trở lại nhờ các bác sĩ. Tôi biết ơn chính quyền đã động viên, tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết. Tôi mong người dân có cái nhìn khác về những người theo đạo Hồi luôn sống ôn hòa", ông M.H trải lòng.

{keywords}
Những người Hồi giáo trong hẻm 157 Dương Bá Trạc chia sẻ về những ngày khó khăn bị cách ly. Ảnh: Hiếu Thảo

Theo ông Châu Ly, một người có uy tín trong cộng đồng đạo Hồi ở quận 8, sau khi bệnh nhân 100 nhập viện, cả khu phố có 169 người tự nguyện cách ly ở KTX Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Những ngày đầu, tôi chủ yếu ăn mì tôm cho yên tâm. Sau đó, Sở Y tế nhờ công ty bên sân bay cung cấp đồ ăn chuẩn Halal. Chứ không bỏ bữa hoài, nhiều người bảo chúng tôi chê suất ăn, gây lãng phí thì rất khổ. Tôi cảm ơn chính quyền đã biết được nhu cầu thiết yếu của người theo đạo Hồi”, ông Châu Ly nói.

Ông Mousa, người dân trong hẻm 157, chia sẻ về những hiểu lầm với chuyện ăn uống của người theo đạo Hồi. “Chúng tôi không đòi hỏi táo Mỹ, nho New Zealand, có gì ăn nấy, miễn chuẩn Halal là được. Nhưng nhiều người không hiểu vẫn kỳ thị thì thật đáng buồn”, ông nói.

Ngoài ra, ông Mousa cũng cho hay: “Với người Hồi Giáo, chuyện đi lễ 5 lần/ngày cũng như ăn cơm, uống nước, là nghi thức bình thường. Bệnh nhân khi đó không có triệu chứng gì nên không thể trách chúng tôi đi lễ làm lây lan dịch bệnh”.

Giờ đây, khu phố của ông M.H. đã trở lại nếp sống bình thường sau những ngày trầm lặng vì bị cách ly. Người dân giờ có thể đi lễ 1 ngày 5 lần, ăn thức ăn theo chuẩn Halal.

Phan Nhơn - Hiếu Thảo