- Mang khối bướu nặng hơn 1 kg trên lưng, bé gái người Sóc Trăng Trần Thị Ngọc Thắm bị bạn bè trêu chọc, cách ly. Năm lớp 3, Thắm đã phải nghỉ học vì mặc cảm.

BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa thực hiện ca phẫu thuật bóc thành công khối bướu trên lưng cho “cô bé mai rùa” người Sóc Trăng Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi).

Các bác sĩ hi vọng kết quả xét nghiệm bệnh phẩm sẽ không ghi nhận tế bào ác tính để Thắm có thể trở lại cuộc sống như những trẻ bình thường.

{keywords}

Trần Thị Ngọc Thắm đã chịu nhiều tủi hổ khi mang “mai rùa” suốt 10 năm.

Có lẽ chẳng ai thấu hiểu nỗi đau của Thắm khi phải mang “mai rùa” trên lưng suốt 10 năm qua bằng mẹ của cô bé – chị Thạch Thị Đa Ni (ngụ huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Người mẹ này chia sẻ rằng, từ khi mới chào đời, sau lưng Thắm đã xuất hiện một cục u màu đen như quả cam nằm ở vị trí giữa hai xương vai.

Tuy nhiên, ngày ấy, hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện chữa trị sớm. Và sau 10 năm, khối bướu phát triển gây mất thẩm mỹ và ngứa nhiều nên người mẹ đã đưa con đến bệnh viện nhờ bác sĩ chữa trị.

Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy khối bướu có đường kính 22cm chiếm trọn phần lưng trên của bé. Xung quanh bướu hạt nhân này có nhiều bướu vệ tinh.

Đây là dạng bướu rùa (Congenital Melanocytic) trên thế giới mới chỉ ghi nhận 1 ca ở Colombia đã được phẫu thuật tại Anh. Dù là bướu lành tính, song nếu để lâu bướu sẽ phát triển lớn gây mất thẩm mỹ và nguy cơ phát triển tế báo ác tính gây ung thư.

Khi cô con gái được đưa vào mổ, ở phía ngoài, chị Đa Ni hồi hộp đứng ngồi không yên, hướng đôi mắt đầy lo lắng vào phòng phẫu thuật.

Chị Ni kể, mỗi ngày, khối bướu phát triển to hơn nên khi ở nhà hay tới lớp, Thắm đều bị bạn bè trêu chọc, xa lánh vì mang “mai rùa” trên lưng.

Cứ mỗi tối, Thắm bị ngứa ở khu vực khối bướu, và mỗi lần như vậy, người mẹ đều lấy tay gãi cho cô bé. “Có nhiều lần gãi cho con tới tứa máu ở lưng” – chị Ni buồn rầu nói.

{keywords}

Chị Đa Ni kể về những ngày tháng bị bạn bè xa lánh mà con gái phải chịu đựng.

Tới năm lớp 3, Thắm đã xin mẹ cho nghỉ học bởi không thể đối diện với mặc cảm thêm nữa. “Mẹ cho con nghỉ học, bạn nói không chơi với con bé lưng đen như con” – người mẹ nhớ lại và rơi nước mắt.

Ngày chị đưa con gái lên BV thăm khám, trong người mang theo chỉ có…600 nghìn đồng. Trong khi tiền viện phí đóng hết 300 nghìn, số còn lại 2 mẹ con dành để mua cơm ăn qua ngày.

Khi biết tình cảnh khó khăn của hai mẹ con, nhiều người thương cảm, đã đóng góp được 1 ít tiền giúp đỡ. Toàn bộ chi phí phẫu thuật của Thắm cũng được phía BV và các mạnh thường quân ủng hộ.

Ca phẫu thuật cho bé Thắm kéo dài 1,5 giờ đồng hồ. Lúc bác sĩ thông báo ca mổ thành công, chị Ni không giấu nỗi vui mừng khôn xiết.

Người mẹ muốn vào thăm con để thấy lưng của Thắm nay ra sao nhưng do lo ngại vết thương nhiễm trùng nên BV hạn chế cho gặp người thân. Hiện sức khỏe của bé gái 10 tuổi đang tiến triển khá tốt.

“Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ cho con tôi” – chị Đa Ni vui mừng nói.

Văn Đức