GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc TT Y học hạt nhân và ung ướu, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Đặng Văn Chính, 67 tuổi là một trong những trường hợp mắc ung thư phổi giai đoạn muộn được điều trị thành công.

Ông Chính đến viện khám vào tháng 11/2017 vì đau ngực phải âm ỉ và ho có đờm trắng trong suốt 1 tháng, sụt cân nhiều. Bệnh nhân không sốt, không khó thở nhưng khi chụp cắt lớp vi tính ngực, bác sĩ phát hiện phổi phải có khối u kích thước khoảng 3 cm.

{keywords}
Hình ảnh khối u ở thùy trên phổi phải và hình ảnh chụp PET CT (ảnh cuối cùng bên phải) cho thấy khối u đã di căn nhiều nơi trên cơ thể

 

Làm thêm sinh thiết, xác định bệnh nhân mắc ung thư phổi biểu mô tuyến không tế bào nhỏ, giai đoạn 4A, di căn hạch trung thất, hạch thượng đòn 2 bên, di căn 2 phổi, tuyến thượng thận trái.

Khai thác tiền sử, ông Chính biết trong gia đình không có ai bị ung thư phổi nhưng bản thân ông nghiện thuốc lá nhiều năm, liên tục hút nửa bao/ngày.

Do khối u đã xâm lấn quá xa nên không thể phẫu thuật, bác sĩ chỉ định truyền hoá chất qua đường tĩnh mạch kết hợp với thuốc nhắm trúng đích.

Kết quả, bệnh nhân đáp ứng rất tốt. Sau 3 chu kì điều trị, ông Chính đã hết đau ngực, hết ho, cân nặng tăng từ 58 lên 60 kg, kích thước hạch cổ 2 bên giảm, khối u trong phổi xơ hoá. Và sau 6 chu kỳ, không còn sờ thấy hạch cổ, bệnh nhân tăng tiếp thêm 3 kg. 

{keywords}
Sau 6 chu kỳ, bệnh nhân đáp ứng rất tốt 


Hơn 1 năm nay, bệnh nhân khoẻ mạnh, thường xuyên đi khám định kỳ và tiếp tục được điều trị duy trì bằng thuốc nhắm trúng đích.

Theo GS Khoa, ung thư phổi là bệnh lý ác tính có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao nhất ở nam giới trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh lý ác tính đứng thứ 2 sau ung thư gan với 24.000 ca mắc mới. Tuy nhiên đến nay, điều trị ung thư phổi vẫn là thách thức khi số chết gần tương đương mắc mới, với hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm.

Nguyên nhân khiến tỉ lệ ung thư phổi tử vong cao do có tới hơn 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu, triệu chứng rất mơ hồ như đau tức ngực, ho ra dây máu nhưng dễ nhầm với lao. Chỉ đến khi bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở thường xuyên mới đến bệnh viện khám thì đã ở giai đoạn muộn.

GS Khoa nhấn mạnh, 90% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.

Khói thuốc lá chứa tới 7.000 chất độc hóa học, trong đó hàng trăm chất cực độc như axeton (chất tẩy có trong sơn móng tay), amoniac... giết chết 8 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó có 1 triệu nạn nhân vô tội do hút thuốc lá thụ động.

Hít phải khói thuốc thụ động độc hại không kém người hút thuốc. Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.

Do đó người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày và tăng hơn 30%  nguy cơ mắc ung thư phổi.

Đáng lưu ý, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời so với những người không hút thuốc.

Điều trị ung thư phổi bao gồm các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch. Dựa vào giai đoạn bệnh, kết quả mô bệnh học khối u, xét nghiệm đột biến gen (đột biến gen EGFR, ALK, ROS1, MET…) và thụ thể miễn dịch (PD-L1) để quyết định phương pháp điều trị cho người bệnh.

Khoảng 18% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi sống sau 5 năm. Tuy nhiên, ngày nay với nhiều tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán cũng như điều trị đã kéo dài cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân ở giai đoạn muộn.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Trẻ nhất Việt Nam, nam sinh 17 tuổi chết vì ung thư phổi

Trẻ nhất Việt Nam, nam sinh 17 tuổi chết vì ung thư phổi

Mắc ung thư phổi từ khi mới 15 tuổi, dù được điều trị nhiều biện pháp tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong 2 năm sau đó.