- Nhiều người bệnh bị chấn thương quá nặng, nếu chuyển lên phòng phẫu thuật, khả năng sẽ tử vong, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã mổ ngay tại phòng mổ khoa cấp cứu để giữ lại tính mạng cho nhiều người “mười phần chết chín”.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, du khách 70 tuổi người Nhật Bản đột ngột lên cơn đau ngực, ngất lịm đi.

Người này nhanh chóng được chuyển tới cơ sở y tế gần đó và sau đó được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

{keywords}
Người bệnh được chuyển vào khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy tình trạng rất nặng

Theo Bác sĩ Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, sau thăm khám, nhận thấy tình trạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc”, cần phải phẫu thuật ngay.

Bình thường khi phẫu thuật tim sẽ cần nhiều thời gian để làm các xét nghiệm, tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu kéo dài lâu sẽ khó đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Mọi thủ tục hành chính được thông qua nhanh chóng, các bác sĩ đã tiến hành mổ cho du khách người Nhật ngay tại phòng mổ khoa cấp cứu.

“Khi ấy không đủ thời gian để chuyển lên phòng phẫu thuật lớn nữa. Bởi trong thời gian chuyển bệnh nhân có thể tử vong” - BS An nói và cho biết, nhờ báo động đỏ nội viện, ca mổ thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Mới đây, người đàn ông 32 tuổi bị xe container đâm ép vào lồng ngực. Khi vào phòng cấp cứu, mạch và huyết áp đều bằng 0, tình trạng rất nghiêm trọng, cần phải mổ ngay, nhưng cũng không đủ thời gian để chuyển lên phòng phẫu thuật.

Y bác sĩ nhiều khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy đã vừa hồi sức và vừa mổ ngay tại phòng cấp cứu.

Khi mở ngực người bệnh, ê-kíp phát hiện các đường dẫn máu về tim bị tổn thương khiến trong khoang màng phổi có gần 2 lít máu. Bác sĩ nhanh chóng lấy hết số máu, làm sạch và khâu lại vết thương.

Hiện nam bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, dự kiến được xuất viện trong ít ngày tới.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, trong năm 2016, có 15 trường hợp phải phẫu thuật ngay ở phòng mổ khoa cấp cứu, trong đó cứu sống được 10 người.

Còn 2 tháng đầu năm 2017, con số này là 8 và cứu sống được 7 người.

Theo BS Việt, những bệnh nhân phải mổ ở phòng cấp cứu thường gặp tình trạng nặng, đa chấn thương, cơ hội sống tính từng phút. Nếu chờ chuyển lên phòng phẫu thuật lớn thì khả năng tử vong rất cao.

"Có nhiều bệnh nhân khi vào mổ đã mê man, không cần phải gây mê nữa. Trường hợp nguy kịch, báo động đỏ nội viện được kích hoạt, nhiều khoa sẽ cùng phối hợp cứu người bệnh" - BS Việt cho biết.

{keywords}
Bệnh nhân may mắn thoát chết nhờ mổ ở phòng phẫu thuật khoa cấp cứu

Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy nói thêm, phòng mổ cấp cứu của BV được người Nhật xây dựng cách đây khá lâu, đạt tiêu chuẩn của phòng mổ hoàn chỉnh với đầy đủ trang thiết bị.

Từ thực tế lâm sàng, Bệnh viện Chợ Rẫy đang khảo sát để tiến hành triển khai 1 số phòng mổ cấp cứu tại các khoa điển hình, nhằm mang lại cơ hội cứu sống những bệnh nhân nguy kịch mà trong tình huống cần 1 số trang thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực chuyên khoa đó.

Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh được chuyển từ các bệnh viện tỉnh lên, theo BS Việt, thời gian tới BV Chợ Rẫy sẽ chú trọng làm tốt công tác thông tin với tuyến dưới, nắm rõ tình trạng bệnh nhân để khi chuyển vào không mất thêm quá nhiều thời gian thăm khám.

Thạch Quý