GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, những năm gần đây, tỉ lệ mắc đột quỵ tại Việt Nam không ngừng tăng do các bệnh lý tim mạch gia tăng nhanh chóng, phổ biến nhất là tăng huyết áp.

Theo điều tra năm 2008, có 25,1 % dân số tuổi từ 25 trở lên ở nước ta bị bệnh lý tăng huyết áp. Đến năm 2015, theo nghiên cứu do Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện tại 8 tỉnh, con số này thậm chí đã lên tới 47,3%, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân.

Căn bệnh này được ví là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân gây ra 80% các ca đột quỵ.

{keywords}

Tỉ lệ rất thấp bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong khung giờ vàng. Ảnh minh hoạ 

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ nam giới gấp 4 lần nữ. Trong đó gần 50% số ca đột quỵ diễn tiến xấu và tử vong, 90% để lại di chứng. Như vậy, tỉ lệ tử vong do đột quỵ chỉ đứng sau ung thư (115.000 ca).

Từ thực tế điều trị, Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ bị bỏ qua giai đoạn vàng trong 3-6 tiếng đầu tiên. Nguyên nhân, nhiều gia đình lầm tưởng đột quỵ là trúng gió nên giữ lại ở nhà để cạo gió, bôi dầu cao nên lỡ cơ hội điều trị.

Khi bỏ qua giờ vàng, chi phí điều trị cho bệnh nhân đột quỵ rất tốn kém, tỉ lệ mắc di chứng cao, khả năng hồi phục hạn chế.

Tại các BV lớn ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đến BV trước 6 giờ chỉ chiếm 5-6%, trong khi ở Mỹ, tỉ lệ này từ 12-17%.

Để tránh nhầm lẫn với cảm mạo, người dân có thể dễ dàng phát hiện các dấu hiệu đột quỵ dựa theo quy tắc FAST.

F (Face): Kiểm tra miệng bệnh nhân xem có bị méo không, có thể yêu cầu huýt sáo, nhe răng.

A (Arm): Giơ 1 tay hoặc 2 tay lên hoặc giơ chân, nếu bệnh nhân không có khả năng hoặc tay, chân rơi xuống nhanh bất thường.

S (Speech): Yêu cầu bệnh nhân nói những cụm từ đơn giản, nếu giọng méo, nói không trôi chảy là dấu hiệu bất thường.

T (Time): Nếu có các dấu hiệu trên thì cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

{keywords}

Mọi gia đình có thể dễ dàng kiểm tra các dấu hiệu đột quỵ dựa theo quy tắc FAST

Để điều trị đột quỵ, PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não tắc mạch do huyết khối hay chảy máu não.

Nếu nhồi máu não do tắc mạch, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối, dòng chảy trong mạch máu trở lại bình thường, tổ chức não sau cục tắc được tưới máu trở lại. Bệnh nhân dần hồi phục và sau đó sẽ tập phục hồi chức năng, có thể khỏe mạnh, sinh sống bình thường.

Trường hợp cục khuyết khối ở vị trí không tiêu được nhưng thuận lợi để hút được cục máu ra thì bác sĩ sẽ hút ra để dòng chảy máu bình thường.

Với bệnh nhân đột quỵ chảy máu não, nếu do dùng thuốc chống đông quá liều sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu tương ứng làm cho tình trạng đông máu trở về bình thường. Những vị trí chảy máu sẽ được dẫn lưu ổ chảy máu ra ngoài hoặc lấy khối máu tụ đi để não không bị ép nữa, phần nhu mô não tranh chấp sống và chết hoạt động bình thường, sau đó dùng dụng cụ nút lại để máu ngừng chảy.

Hoặc trường hợp siêu âm doppler mạch thấy hẹp động mạch cảnh gây thiếu máu não thì bác sĩ có thể đặt stent giúp lòng mạch thông thoáng, không đọng lại mảng vữa xơ. Hoặc có thể bóc tách lớp nội mạc đó đi để dòng máu bình thường.

Thúy Hạnh

Khi bị đột quỵ, tuyệt đối không làm những điều sau vì... dễ chết hơn

Khi bị đột quỵ, tuyệt đối không làm những điều sau vì... dễ chết hơn

Do thiếu kiến thức xử trí đột quỵ ban đầu, hầu hết bệnh nhân đến BV khi tình trạng nặng thêm hoặc đã qua giai đoạn vàng.