Tại chương trình giáo dục sức khoẻ cộng đồng về bệnh lý tim mạch – tăng huyết áp sáng nay tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, tim mạch là nguyên nhân tử gây vong hàng đầu trên thế giới, cướp đi sinh mạng 9,4 triệu người mỗi năm, nhiều gấp 4 lần số tử vong do sốt rét, lao và HIV cộng lại.

Tại Việt Nam, số người chết vì tim mạch chiếm tới 33% tổng số người tử vong với 200.000 ca mỗi năm, trong đó phần lớn là bệnh nhân tăng huyết áp với trên 14 triệu người mắc.

Tăng huyết áp được ví là “sát thủ thầm lặng” do bệnh tiến triển âm thầm nhưng gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Đây cũng là căn nguyên gây ra 80% ca đột quỵ tại Việt Nam.

{keywords}

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với cộng đồng kiến thức về bệnh tim mạch 

Chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim, biến chứng phổ biến nhất của tăng huyết áp, đã có từ 104-150.000 người chết mỗi năm.

Trong 4 thập kỷ qua, tăng huyết áp tại Việt Nam không ngừng tăng. Những năm 1970 chỉ có khoảng 2% người lớn bị tăng huyết áp, đến 1990, tỉ lệ này đã tăng lên 11% và chạm mức 16% vào đầu những năm 2000. Đến 2008, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy đã có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp.

Gần đây nhất, năm 2015 một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh gồm Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Tháp và TP.HCM, cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi.

“Trước đây, tăng huyết áp gặp phần lớn ở người lớn tuổi nhưng giờ có xu hướng trẻ hoá. Nguyên nhân do lối sống phương tây hoá, ăn uống không hợp lý, lười vận động, stress, hút thuốc lá, mỡ máu. Chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân 20-30 tuổi đã mắc nhồi máu cơ tim, đột quỵ”, PGS Hùng chia sẻ.

Dù là bệnh rất phổ biến song PGS Hùng cho biết, dưới 50% người mắc tăng huyết áp biết mình mắc bệnh, trong số những người biết mình bị bệnh, chỉ có khoảng 10% tuân thủ điều trị nghiêm ngặt.

{keywords}

Các biến chứng hay gặp nhất của tăng huyết áp là đột quỵ, suy tim, suy thận, tổn thương đáy mắt, tách thành động mạch chủ

Chính vì tâm lý “sống chung với lũ” nên tỉ lệ bệnh nhân bị các biến chứng nặng nề do tăng huyết áp rất lớn, trong đó phổ biến nhất là đột quỵ, suy tim, rối loạn nhịp tim, giãn phình hoặc tách thành động mạch chủ, suy thận, tổn thương đáy mắt...

GS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết thêm, huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 3 lần. Với những trường hợp tăng huyết áp đi kèm các yếu tố nguy cơ khác như mỡ máu cao, hút thuốc lá thì tỉ lệ mắc bệnh tim mạch tăng 16 lần.

GS Việt nhấn mạnh, hầu hết các bệnh tim mạch đều có thể phòng chống được từ chính bản thân mỗi ngừoi dân, nhờ thay đổi lối sống, tăng vận động, giảm béo phì, giảm muối dưới 5g/ngày, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.

{keywords}

Lãnh đạo Viện tim mạch Việt Nam cùng đi bộ với người dân quanh hồ Hoàn Kiếm để nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh tăng huyết áp

GS Việt cũng khuyến cáo, mỗi người dân nên tăng cường hoạt động thể lực, đi bộ 30-45 phút mỗi ngày, tránh căng thẳng thần kinh... để phòng ngừa tăng huyết áp.

Khi điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý bỏ thuốc khi thấy đỡ khiến huyết áp tăng vọt trở lại. Khi điều trị cần dùng các thuốc hạ áp phù hợp, huyết áp hạ từ từ. Với tăng huyết áp, bệnh nhân cần điều trị suốt đời.

Để hướng ứng chương trình, sáng nay đã có hơn 1.000 người dân thủ đô cùng đồng diễn thể dục, đi bộ vòng quanh Hồ Gươm nhằm lan toả thông điệp “Dáng đẹp – tim khoẻ”, khuyến khích mọi người, đặc biệt những người trên 40 tuổi tăng cường hoạt động thể chất, sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh để phòng chống các bệnh tim mạch.

Thúy Hạnh

GS tim mạch giật mình với căn bệnh chết nhiều hơn cả ung thư

GS tim mạch giật mình với căn bệnh chết nhiều hơn cả ung thư

Việt Nam có gần 21 triệu người mắc nhưng trên 90% người bệnh không tìm ra nguyên nhân và số được điều trị chỉ chiếm 1/3.