Càng nhiều phòng dịch vụ càng khuyến khích

Chiều nay, Bộ Y tế cung cấp thông tin cho báo chí về dự thảo giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính cho biết, thông tư này đang trong quá trình quá trình rà soát, sửa đổi lần cuối trước khi kí quyết định ban hành, dự kiến có hiệu lực từ 1/10 tới.

Theo dự thảo thông tư, giá khám dịch vụ không quá 500.000 đồng/lần; giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tối đa tại các BV hạng đặc biệt và hạng 1 là 4 triệu đồng/ngày với loại phòng 1 giường/phòng, loại 2 giường/phòng có giá 2,5 triệu đồng/ngày, loại 3 giường có giá 1,5 triệu đồng và loại 4 giường có giá 1,3 triệu đồng/ngày.

{keywords}
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế

 

Ngay khi nội dung dự thảo được công bố, rất nhiều ý kiến cho rằng mức giá 4 triệu đồng/phòng là quá cao, ngang giá khách sạn 5 sao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó cũng đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo thêm.

Tuy nhiên ông Nam Liên cho biết, việc so sánh giá phòng bệnh với giá khách sạn là rất khập khiễng do phòng khách sạn chỉ ngủ là chính, còn phòng bệnh có thêm nhiều dịch vụ đi kèm, từ chăm sóc y tế đến dinh dưỡng, đi kèm cả giường phụ cho người nhà chăm sóc người bệnh...

Theo ông Liên, hiện rất nhiều người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao để được chăm sóc toàn diện. Bằng chứng, mỗi năm người Việt bỏ ra hơn 2 tỉ đô ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Mặt khác, ngày càng nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại, được chi trả với mức cao nên cần có các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Do đó đòi hỏi các bệnh viện có trình độ chuyên môn tốt giờ phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân. Chỉ cần “giữ chân” được một nửa số bệnh nhân ra nước ngoài cũng đã thu được hơn 20.000 tỉ đồng, là con số rất lớn.

Cũng theo ông Liên, hiện đã có 4 BV được tự chủ hoàn toàn gồm: Bạch Mai, Việt Đức, BV K, Chợ Rẫy, do đó, thông tư này khi có hiệu lực sẽ giúp các BV "cởi trói", có thêm hướng dẫn để thực hiện.

Trước câu hỏi cho rằng có nên khống chế tỉ lệ khám chữa bệnh BHYT và khám chữa bệnh theo dịch vụ, vì hiện tại, tỉ lệ phòng dịch vụ tại các BV công đang chiếm 25% nhưng bệnh nhân vẫn đang phải nằm ghép, ông Liên cho biết, không có khống chế tỉ lệ.

Theo ông Liên, phần khám chữa bệnh theo yêu cầu có 2 loại hình:

Thứ nhất là đơn vị sử dụng vay vốn, liên doanh liên kết hoạt động theo yêu cầu. Cái này phải khuyến khích, giờ nhiều bác sĩ, điều dưỡng ra trường không có việc làm. Do đó, xây dựng càng lớn, càng hiện đại càng khuyến khích, dù có 100 – 200 phòng dịch vụ hoặc hơn nữa.

Thứ 2 là sử dụng tài sản công của nhà nước, áp theo luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đơn vị phải hoàn thành nhiệm được giao trước, nên các đơn vị thường xuyên nằm ghép thì phải rà soát để làm cho đúng.

Phòng 4 triệu như một căn hộ nhỏ

Ông Nam Liên cho biết, mức giá phòng dịch vụ nói trên là giá tối đa, đã bao gồm đầy đủ 7 yếu tố cấu phần giá dịch vụ y tế (chi phí vật tư, hoá chất, tiền lương, khấu hao...) và yếu tố tích luỹ.

Trong thông tư, Bộ Y tế chỉ xây dựng khung giá chứ không quy định giá chi tiết. Các BV muốn thu giá phòng với mức như trên phải có các phòng đủ tiêu chuẩn về diện tích, trang thiết bị theo TCVN 2012.

Các BV cũng phải chia ra nhiều loại giường như giường hồi sức tích cực, giường sau phẫu thuật loại đặc biệt, loại 1, giường điều trị nội khoa, nên không phải cứ 1 giường/phòng là được thu 4 triệu. 

{keywords}
Bộ Y tế cho biết, phòng dịch vụ 4 triệu sẽ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe


“Nếu các chi phí, dịch vụ bệnh viện liệt kê chỉ 2-3 triệu đồng thì mức thu đối đa chỉ 2-3 triệu đồng, không được thu hơn. Phòng có 1 điều dưỡng phục vụ 24/24 cũng khác giá phòng 1 điều dưỡng phục vụ 3-4 giường”, ông Liên nói rõ.

Với phòng 4 triệu đồng, ông Liên nhấn mạnh, đây là giường cho bệnh nhân nặng, phục vụ người bệnh một cách toàn diện nhất. Phòng này có điều dưỡng phục vụ 24/24 giờ, người nhà không cần chăm, có bàn tiếp khách, phòng ăn, có đầy đủ trang thiết bị y tế, có giường nằm cho người nhà....

Theo ông Liên, mức giá trên đã tham khảo bảng giá của nhiều BV tư trên cả nước. Tại các BV này, giá phòng có thể 4 triệu đồng/phòng 1 giường đến hơn 20 triệu/phòng/ngày.

Trước ý kiến lo ngại các BV sẽ lạm thu, tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, ông Liên khẳng định, sẽ có cơ quan kiểm tra tài chính, kiểm toán nhà nước giám sát việc thu chi của các BV.

“Điều kiện cơ bản nhất hiện nay của các bệnh viện là phải hoàn thành nhiệm vụ do nhà nước giao, quan trọng nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không được để người bệnh nằm ghép, khi đó mới được sử dụng cơ sở hạ tầng của bệnh viện để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu. Còn bệnh viện muốn làm dịch vụ theo yêu cầu thì phải huy động vốn xã hội hoá để đầu tư khu mới thực hiện dịch vụ theo yêu cầu”, ông Liên nhấn mạnh.

Hiện tại, mức giá phòng dịch vụ tại các BV công hiện nay giao động từ 700.000 đồng - 2,5 triệu đồng/giường/phòng.

Thúy Hạnh

Giá giường dịch vụ tại BV công có thể lên 4 triệu/ngày

Giá giường dịch vụ tại BV công có thể lên 4 triệu/ngày

- Từ 1/10 tới, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tại các BV hạng đặc biệt có thể lên tới 4 triệu đồng/ngày, mức cao nhất từ trước đến nay.