Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai vừa điều trị thành công một trường hợp bị ngừng tuần hoàn hết sức hy hữu. Sau gần 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi Vũ Đức Hoàng, 13 tuổi ở Hà Nội đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ oà của gia đình.

Trước đó, khoảng 10h sáng ngày 29/11, trong lúc đang chơi bóng đá cùng bạn tại trường, cháu Hoàng không may bị bóng văng trúng bụng. Sau khi bị sút, cháu cảm thấy khó thở và mất ý thức ngay sau đó.

12 phút sau, cháu bé được đưa vào BV Thể thao Việt Nam gần đó để cấp cứu nhưng khi đến viện đã ngừng tuần hoàn, ngừng thở, mạch cảnh mất, da còn ấm, kích thước đồng tử mắt hai bên là 3,5 mm.

{keywords}

Gia đình và nhà trường cảm ơn các bác sĩ khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai 

Ngay lập tức, cháu được các bác sĩ tiến hành hồi sinh tim phổi gồm ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mặt nạ mặt, khử rung tim, tiêm thuốc adrenalin, sau 35 phút, tim đã đập lại.

Cháu bé được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển tới BV Bạch Mai trưa cùng ngày trong tình trạng bệnh đã ổn định hơn. Tuy nhiên khi nhập viện, cháu vẫn hôn mê sâu, glasgow chỉ còn 3 điểm, đang được dùng thuốc an thần, thở máy qua ống nội khí quản, nhịp tim không đều, có nhiều ngoại tâm thu thất...

Lãnh đạo khoa Cấp cứu cùng các bác sĩ đã hội chẩn với chuyên gia Viện tim mạch Việt Nam và khoa Nhi để tìm phương án tối ưu nhất

Nhận thấy cháu bé có nhiều cơ hội hồi phục, các chuyên gia thống nhất cần áp dụng ngay các biện pháp hồi sức và kỹ thuật cao để cứu bằng được cháu bé, đặc biệt là kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, lãnh đạo khoa Cấp cứu A9 cho biết, sau khi bị ngừng tim, bệnh nhi đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng không tỉnh lại, vẫn hôn mê. Lúc này, việc tiến hành các biện pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp não bớt phù nề, bớt viêm và tưới máu não tốt giúp tế bào não phục hồi tốt hơn.

Nếu sử dụng các pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh, nhiệt độ có thể hạ nhưng không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác nên hiệu quả rất hạn chế.

Do đó, các bác sĩ khoa Cấp cứu sử dụng một ống thông đưa vào mạch máu của bệnh nhi để hạ thân nhiệt điều trị, với mục tiêu hạ nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 – 37 độ).

Sau đó sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân dần với mức tăng 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.

Theo PGS Chi, tại Việt Nam, Khoa cấp cứu, BV Bạch Mai là đơn vị đầu tiên thực hiện phương pháp này. Trên thế giới, cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy.

TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai chia sẻ thêm, trong quá trình điều trị, diễn biến bệnh nhân rất phức tạp, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim, hết ngoại tâm thu thất dày lại chuyển sang nhịp nhanh trên thất có kèm block nhánh phải.

Nhiều cuộc hội chẩn liên khoa liên tục được thực hiện dưới mọi hình thức như qua điện thoại, viber hoặc Zalo và trực tiếp ngay tại giường bệnh.

Cuối cùng, sang ngày điều trị thứ 5, mặc dù huyết áp vẫn còn phụ thuộc vào thuốc trợ tim nhưng tim không còn loạn nhịp và cháu bé đã hoàn toàn tỉnh táo, cháu được ngưng thở máy và rút ống nội khí quản.

Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhi được chuyển sang Viện Tim mạch Việt Nam để tiếp tục theo dõi, tìm kiếm nguyên nhân và sau 20 ngày, bệnh nhi đã được xuất viện.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Chàng trai 23 tuổi chết vì nhồi máu cơ tim, bác sĩ chỉ 3 loại thực phẩm là gánh nặng cho tim

Chàng trai 23 tuổi chết vì nhồi máu cơ tim, bác sĩ chỉ 3 loại thực phẩm là gánh nặng cho tim

Điều gì xảy ra khi một chàng trai mới 23 tuổi chết vì nhồi máu cơ tim? Bác sĩ cho biết thủ phạm nằm trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta.