Ngày 28/8, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa “chạy đua” với thời gian “vàng” liên tiếp cứu sống 2 bệnh nhân bị đột quỵ não nặng.

19h25 tối 27/8, bà Nguyễn Thị Dữ (66 tuổi, quê Hậu Giang) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nôn ói, lơ mơ, tiếp xúc chậm, liệt nữa người trái. Người nhà cho biết, từ lúc có triệu chứng đến lúc nhập viện của bà Dữ là 3h15.

{keywords}
Bệnh nhân Thành được  cứu sống

Ngay sau đó, ông Trần Văn Thành (63 tuổi, quê Kiên Giang) cũng đưa vào bệnh viện trong tình trạng nói khó, liệt nữa người trái, tiếp xúc chậm.

Người nhà cho biết, bệnh nhân này từ lúc có triệu chứng đến lúc nhập viện là 5hh30.

Sau khi nhận tin từ Khoa cấp cứu, tiến sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị can thiệp đột quỵ của bệnh viện đã kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ. Các ê kíp được kích hoạt sẵn để can thiệp cấp cứu bệnh nhân.

Bác sĩ cho biết, kết quả chụp CT của mạch máu não bệnh nhân Thành cho thấy bị tắc mạch máu não giữa đoạn gần nên chỉ định can thiệp hút huyết khối và dụng cụ.

Do bệnh nhân này vào cấp cứu trong thời gian gần hết giờ "vàng" (6 tiếng) nên được ưu tiên can thiệp trước.

Ê kíp can thiệp do bác sĩ Trịnh Thành Tính thực hiện. Quá trình can thiệp cho bệnh nhân diễn ra thuận lợi hơn so với dự kiến nên thời gian tái thông mạch máu não chỉ mất 20 phút.

Cùng lúc đó, kết quả chụp CT mạch máu não của bệnh nhân Dữ cho thấy tắc động mạch máu não giữa đoạn gần. Bác sĩ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu não bằng dụng cụ.

“Mặc dù cả 2 ê kíp can thiệp đã được khởi động để sẵn sàng can thiệp cùng lúc cho 2 bệnh nhân. Nhưng nhờ việc cạn thiệp cho ca đầu tiên diễn ra thuận lợi, mất ít thời gian nên ê kíp bác sĩ Trịnh Thành Tính vẫn kịp thời can thiệp cho bệnh nhân Dữ.

Ca can thiệp này cũng chỉ diễn ra trong vòng 20 phút, đã tái thông mạch máu não cho bệnh nhân. Chỉ trong vong 40 phút, ê kíp can thiệp của bệnh viện đã can thiệp thành công cho 2 bệnh nhân”, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết.

Hiện tại sau 12 tiếng can thiệp tình trạng của 2 bệnh nhân diễn tiến rất tốt trong đó bệnh nhân Thành hồi phục gần như hoàn toàn. Còn bệnh nhân Dữ thì tri giác tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ bên liệt đã hồi phục khá.

Theo Tiến sĩ Hà Tấn Đức, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Đặc biệt, đột quỵ có thể xảy đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi. Người bệnh bị đột quỵ não có thể bị liệt, hôn mê và thậm chí tử vong.

Đột quỵ không những là nguyên nhân gây tử vong thứ ba mà còn gây tàn phế hàng đầu cho người bệnh, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Đột quỵ não được chia làm 2 loại chính: đột quỵ do chảy máu não (chảy máu nội sọ, chảy máu khoang dưới nhện) và đột quỵ do thiếu máu não (nhồi máu não, cơn tai biến mạch máu não thoáng qua) trong đó là xuất huyết não chiếm 20% và nghẽn mạch máu não chiếm 80%.

Trường hợp nghẽn mạch máu não như 2 bệnh nhân ở trên thường có triệu chứng báo trước là cơn thiếu máu não thoáng qua gây chóng mặt, tê yếu nữa bên người, nói khó, miệng méo, có trường hợp mất ý thức tạm thời, té xỉu.

Khi có những triệu chứng này người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, thời gian tốt nhất là trước 6 giờ kể từ khi có triệu chứng, tức là bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Hoài Thanh