Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa ký văn bản về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân trong dịch Covid-19 gửi UBND TP.

Theo Sở Y tế, TP đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó có 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đối một phần công năng để điều trị Covid-19. Việc huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 giúp bổ sung nhân viên y tế, cơ sở vật chất, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.

{keywords}
Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: BVCR.

Ngày 23/8, UBND TP có công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.

Ngày 1/9, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Y tế về việc chi trả cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị F0. Theo Bộ Tài chính, đề nghị của UBND TP về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh Covid-19 theo yêu cầu và thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung điều trị ngoài công lập. Quy định việc chi trả chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở điều trị ngoài công lập.

Ngày 9/9, Bộ Y tế đã có tờ trình về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề xuất các cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia thu dung điều trị Covid-19.

Theo Bộ Y tế, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho F0 từ ngân sách nhà nước bảo với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo nguyên tắc không quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện trung ương trên địa bàn.

Sở Y tế cho biết, đến nay TP vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Y tế hay văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế kiến nghị UBND TP xem xét cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP tham gia phòng chống dịch được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị Covid-19. Cụ thể như sau:

Chi phí điều trị gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật… sẽ được ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định. Sở Y tế yêu cầu, các bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

Chi phí tiêu hao chưa được kết nối vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 (trừ thuốc Remdesivir, Molnupiravir đã được Sở Y tế cấp): Ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện đang thành toán cho đơn vị.

Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích theo yêu cầu của người bệnh): Được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).

Tú Anh - Hồ Văn

TP.HCM xét nghiệm định kỳ cho 8 nhóm đối tượng trong giai đoạn bình thường mới

TP.HCM xét nghiệm định kỳ cho 8 nhóm đối tượng trong giai đoạn bình thường mới

Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà trường, bệnh viện, cơ quan hành chính sẽ xét nghiệm 7 ngày/lần bằng PCR hoặc test nhanh. Còn các chợ, siêu thị,nhà ga, bến tàu... sẽ xét nghiệm 1-3 ngày/lần.