Năm 2016, bác sỹ Ngô Thị Kim Dung được phân công về làm việc tại Cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone quận Đống Đa, Hà Nội. Mặc dù là bác sỹ nhưng bản thân chị Dung lúc đó vẫn nghĩ người nghiện rất đáng sợ.

“Ban đầu được phân công về đây tôi không nghĩ mình làm được. Nếu mình nghĩ nghiện là gì đó kinh khủng thì vào đây đã thay đổi hoàn toàn, đa phần bệnh nhân vào đây đều tuân thủ và ý thức thực hiện các quy định của cơ sở điều trị rất tốt”, bác sỹ Dung nói.

{keywords}

Bác sỹ Dung kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân

Nhớ lại những ngày đầu triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn, bác sỹ Dung cho biết: Năm 2012 sau quá trình dài chuẩn bị thì cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định. Chỉ tiêu ban đầu đặt ra chỉ là 250 bệnh nhân điều trị vì khi đó mọi người còn chưa biết đến phương pháp điều trị này. Nói sao để họ tin tưởng, để đến điều trị là điều không dễ.

“Chúng tôi đã phải đi tìm bệnh nhân bằng cách đến khắp các phường, tổ dân phố để tuyên truyền. Rồi truyền thông thông qua các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền đến từng cụm dân cư. Thế rồi sau khi bệnh nhân điều trị thấy hiệu quả nên đã rủ nhau đến, số lượng tăng dần đến nay khoảng 560 bệnh nhân”, nữ bác sỹ kể lại.

{keywords}

Với bác sỹ Dung, chứng kiến bệnh nhân tiến bộ mỗi ngày là niềm hạnh phúc 

Thu hút được bệnh nhân bằng chất lượng điều trị, mặt khác với vai trò Trưởng Cơ sở điều trị, bác sỹ Dung luôn bao quát, quan sát, nắm bắt diễn biến tâm lý của chính nhân viên y tế. Nếu thấy một nhân viên nào đó căng thẳng, có thái độ ứng xử không đúng mực với người bệnh, bác sỹ Dung đều chấn chỉnh, nhắc nhở ngay để đảm bảo phục vụ bệnh nhân tốt nhất.

“Bệnh nhân điều trị Methadone có đặc điểm là ngại chờ lâu nên nhân viên ở đây lúc nào cũng phải phục vụ bệnh nhân kịp thời, nhanh chóng và thoả mãn mọi quyền lợi cho họ. Với số lượng 560 bệnh nhân đến uống thuốc mỗi ngày, chỉ cần 5 bệnh nhân không tuân thủ, đến gây sự vì lý do bức xúc, có va chạm thì cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung. Vì thế, tôi luôn quán triệt nhân  viên rằng: Bệnh nhân sai đến đâu cũng phải nói cho họ hiểu để ứng xử đúng mực.

Hôm nay họ sai thì mai họ sẽ nhận ra chứ nhân viên y tế không được bức xúc theo họ. Mình làm việc với thái độ tốt thì cũng sẽ vui vẻ hơn là ấm ức. Mọi nhân viên y tế ở đây đều hiểu điều đó nên thái độ phục vụ khiến bệnh nhân hài lòng, dễ chịu. Đa phần bệnh nhân ở đây uống thuốc xong ra về, đảm bảo trật tự, ít xảy ra xô xát”, bác sỹ Dung chia sẻ.

{keywords}

Gắn bó với công việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện đến nay đã 3 năm, với bác sỹ Dung, từng ấy thời gian có rất nhiều cảm xúc. Đó là những bệnh nhân khi gia đình đưa đến đã “không ra hồn người”, dật dờ, đáng thương. Nhưng, sau một thời gian điều trị đã lột xác hoàn toàn, trở thành một người sống tích cực hơn rất nhiều.

Có người tâm sự Methadone đã cứu vớt cả gia đình họ vì họ có người con nghiện ngập. Trước đó họ đã từng nghĩ nếu như đứa con đó “chết đi thì hơn” vì sống cũng như không, sống chỉ làm khổ cả gia đình. Vậy mà giờ người con đó đã thay đổi, đã biết quan tâm đến mọi người, đi về đã biết chào hỏi…

Chứng kiến bệnh nhân dần trở lại có “hồn người”, được gia đình đón nhận, yêu thương trở lại, niềm vui của người bác sỹ cứ thế nhân lên. Bác sỹ Dung xúc động: Tôi yêu quý nơi này, yêu quý bệnh nhân vì nơi này mang đến nhiều cảm xúc. Tôi thương bệnh nhân vì họ chỉ một lần lỡ bước, sai trái mà phải trả giá, nay được điều trị họ đã trở lại như xưa. Họ thực sự là con người khi không còn bị xã hội kỳ thị, bị gia đình ruồng bỏ; họ có thể làm công việc mong muốn chứ không còn phải suốt ngày quay quắt tìm cách kiếm tiền mua heroin. Họ có cuộc sống gia đình đầm ấm.

“Bệnh nhân cũng cảm nhận được tình cảm của cán bộ y tế với họ nên khi đến điều trị mọi người chào hỏi nhau thân thiện… Tôi nghĩ mình trao đi cái gì thì nhận lại cái đó. Mình không phân biệt, kỳ thị thì bệnh nhân sẽ điều trị tốt. Thấy được sự thay đổi rõ rệt của bệnh nhân từ khi làm đơn đến sau khi điều trị, thấy họ trở lại là “con người” chúng tôi rất hạnh phúc. Đó là động lực để tôi đứng vững ở đây và tiếp tục gắn bó, hỗ trợ cho người bệnh”, bác sỹ Dung tâm sự. 

Hà Dũng

Cậu bé bất ngờ tỉnh dậy, mỉm cười rạng rỡ sau 2 năm sống thực vật

Cậu bé bất ngờ tỉnh dậy, mỉm cười rạng rỡ sau 2 năm sống thực vật

 - Nụ cười rạng rỡ của cậu bé tỉnh dậy 2 năm sống thực vật đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao vô bờ bến cho người cha 58 tuổi. Còn đối với các y bác sĩ, họ gọi đó là “điều kỳ diệu”.