{keywords}
{keywords}

Quyết định đăng ký vào lực lượng tuyến đầu, nơi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, bác sĩ Nguyễn Hải Công (công tác tại Bệnh viện Quân Y 175) vẫn chưa kịp bàn với vợ. Vợ anh vừa mới sinh được 1 tuần, em bé bị thiếu tháng nên khá yếu ớt, chăm sóc cũng vất vả hơn so với những đứa trẻ khác.

Khi anh nhắn tin báo vợ, nhận lại dòng chữ thổn thức của người bạn đời, lòng anh nhói đau, nhưng vẫn kiên định việc làm của mình.

“Chồng biết giai đoạn này nhà mình rất nhiều việc và khó khăn, đặc biệt việc chăm sóc em Mint (tên thân mật của con bác sĩ Công). Tuy nhiên, cũng còn nhiều người thật sự cần sự giúp đỡ về chuyên môn của chồng. Mỗi người, dù già hay trẻ đều vô giá với gia đình họ.

Mình được đào tạo, ăn học chuyên môn để trị bệnh cứu người mà, nên thời này, trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức của mình không cho phép mình chọn an nhiên, trong khi người bệnh đặt tính mạng, hy vọng của họ vào đội ngũ y, bác sĩ. Xin lỗi vì đã không nói với vợ về quyết định của chồng. Nhưng chồng tin, vợ sẽ hiểu và ủng hộ việc chồng tình nguyện tham gia vào Bệnh viện điều trị Covid-19. Mint chắc cũng sẽ đồng ý với ba thôi”, bác sĩ Công nhắn tin cho vợ.

{keywords}

Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân Y 175 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/7. Bác sĩ Nguyễn Hải Công làm Chủ nhiệm Khoa điều trị Covid-19 vừa và nặng. Số lượng bệnh nhân đông, công việc chuyên môn liên tục khiến anh bận rộn suốt ngày đêm.

Xa vợ con trong bối cảnh dịch bệnh, anh phải dằn nỗi nhớ để dành hết tâm sức cứu người. Anh buồn bã: “Những bệnh nhân nằm thở khó nhọc, cơ thể gắn đủ các loại dây y tế, không có người thân ở bên, kể cả khi mất. Họ nhiễm bệnh bất ngờ, trở nặng và qua đời cũng đột ngột, chẳng kịp chuẩn bị tâm lý cho chính mình và người thân. Đó là sự cô đơn cùng cực và là nỗi đau của bác sĩ khi phải chứng kiến”.

Dịch Covid-19 bùng phát, số bệnh nhân tăng lên, thành phố giãn cách, người dân tìm kiếm sự giúp đỡ khắp nơi. Bác sĩ Công nói, với sứ mệnh của mình, anh chẳng thể ngồi im. Vì vậy, anh đăng công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hy vọng có thể giúp đỡ cho những người dân đang phải sống trong hoang mang, lo sợ bệnh tật bủa vây.

{keywords}

Anh cho biết, có rất nhiều người gửi lời cầu cứu tới anh trong tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi. Bởi vậy, sự hướng dẫn kịp thời không chỉ tránh được tổn thương về sức khỏe mà còn giúp ổn định về mặt tinh thần. Dù rằng, dành thời gian tư vấn cho người bệnh cũng đồng nghĩa với thời gian nghỉ ngơi của anh không còn. Nhưng anh cho rằng, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người bác sĩ đối với cộng đồng.

{keywords}

Hơn 2h sáng thứ Hai, bác sĩ Lê Lý Trọng Hưng vốn định tắt máy để đi ngủ, sau một ngày chủ nhật liên tục nhắn tin, gọi điện tư vấn, khám bệnh online cho hàng trăm người. Bất chợt một tin nhắn mới đến. Một người mẹ ở Cần Thơ hỏi về bệnh tình của con, đứa trẻ được chẩn đoán ung thư gan. Khi nghe điện thoại, tiếng khóc thút thít của người mẹ, cơn buồn ngủ của anh bay biến.

“Đối với căn bệnh ung thư, bất cứ ai cũng nảy sinh tâm lý sợ hãi, nhất là những người dân ở các tỉnh. Có người mới nghe nói hàng xóm bị ung thư đã tá hỏa tìm kiếm dấu hiệu tương tự trên cơ thể để hỏi bác sĩ. Cũng có những người bị u lành, nhưng lo lắng đến không ngủ được. Ai cũng nôn nóng hỏi: “Tôi có cần đi bệnh viện không bác sĩ?”. Nhưng trường hợp của em bé này đúng là nghiêm trọng”, bác sĩ Hưng cho biết.

{keywords}

Bác sĩ Hưng hiện công tác tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trước khi dịch bệnh bùng phát, anh đã thực hiện việc tư vấn, khám bệnh online cho bệnh nhân. Thời điểm đó, công việc quá bận, anh chỉ có thể dành khoảng thời gian từ 10-12h đêm để giải đáp. Từ ngày thành phố thực hiện giãn cách, anh có nhiều thời gian rảnh hơn.

Mỗi ngày, anh đều thức đến 2-3h sáng, trả lời hàng trăm tin nhắn cho người dân có nhu cầu tư vấn bệnh, giúp nhiều người được giải tỏa tâm lý căng thẳng. Trong quá trình tư vấn, có nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi tương tự nhau, anh sẽ đưa câu trả lời trước đó để họ tham khảo. Những trường hợp thực sự nghiêm trọng sẽ được tư vấn kỹ hơn và đưa ra hướng giải quyết.

Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Đối với bệnh lý ung bướu, tình huống cũng muôn hình vạn trạng lắm. Tôi chuyên về tuyến giáp, tuyến vú, u gan, điều trị can thiệp ngoài, nên những điều liên quan đến các bệnh đó tôi đều phải nắm hết. Nếu có những bệnh lý khác, tôi sẽ hỏi các đồng nghiệp, nhưng khi đó sẽ thiên về tư vấn chứ không hỗ trợ điều trị được như đúng chuyên môn của mình”.

Những ngày này, anh gặp không ít bệnh nhân lo sợ bị ung thư, nhưng thực chất chỉ là vấn đề về da liễu, thuộc chuyên môn của vợ anh, bác sĩ Huỳnh Kim Chi. Ban đầu, vì vợ bận chăm sóc con nhỏ nên anh chỉ nhờ tư vấn, về sau, nhận thấy nhu cầu của người dân ở trong các khu cách ly quá lớn, nhất là trẻ em, anh liền rủ vợ cùng hỗ trợ tư vấn online miễn phí cho mọi người.

“Mùa dịch bệnh, ai cũng bị ảnh hưởng, gia đình tôi cũng vậy. Nhưng tính ra chúng tôi sung sướng hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp đang chiến đấu tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Vì vậy, giúp đỡ được mọi người, chúng tôi cũng vui mừng”, bác sĩ Hưng tâm sự.

{keywords}

Khi bác sĩ Trần Quốc Phong (công tác tại Bệnh viện Bình Dân) quyết định tham gia hoạt động hỗ trợ khám bệnh online miễn phí cho người dân, anh chỉ có thể sắp xếp được thời gian 1 tiếng mỗi ngày, vào khung giờ 20-21h.

Nam bác sĩ chia sẻ, ngày đầu tiên, nhận được cả trăm tin nhắn, anh phải hít thở thật sâu rồi mới bắt đầu công việc khám bệnh online. Dù biết rằng người dân hiện tại đang gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc thăm khám tại các bệnh viện, nhưng anh vẫn khá bất ngờ vì lượng tin nhắn quá nhiều.

{keywords}

“Người bệnh ở nhiều độ tuổi, có triệu chứng bệnh liên quan đến chuyên ngành Ngoại Tiết niệu của tôi từ mức độ nhẹ đến mức độ có thể coi là nguy hiểm. Một số người miêu tả triệu chứng mơ hồ, lại không muốn cung cấp thêm thông tin thì tôi chỉ có thể an ủi, giải tỏa tâm lý”, bác sĩ Phong cho hay.

Bởi vì số lượng tin nhắn quá nhiều, anh phải chọn lọc những vấn đề mang tính cấp thiết để trả lời.

“Điều trị bệnh trực tiếp hay online cũng đều sẽ rất khó nếu người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Mỗi khi tư vấn, tôi phải cố gắng làm sao để họ hiểu về bệnh của mình, có như vậy thì mới tự giác theo đến cùng. Tuy nhiên, cũng bởi vậy mà mất nhiều thời gian hơn, và những người khác cũng sẽ có ít cơ hội được tư vấn hơn”, bác sĩ Phong nói.

Vị bác sĩ cũng bày tỏ tiếc nuối vì không thể sắp xếp được nhiều thời gian hơn để hỗ trợ cho người bệnh đang cần giúp đỡ.

Khánh Hòa